Vụ tu bổ tháp cổ ở Bình Định: Chủ đầu tư mời Cục Di sản văn hóa tham gia góp ý

TRƯƠNG ĐỊNH |

Liên quan việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít, ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho hay, Sở sẽ mời Cục Di sản văn hóa vào để định hướng, giúp đỡ trong quá trình tu bổ để cho phù hợp và tốt hơn sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý.

Bồn hoa xung quanh chân tháp. Ảnh: Trương Định

Bồn hoa xung quanh chân tháp. Ảnh: Trương Định

Theo ông Chánh, mới đây, liên Sở VH&TT – Xây dựng cũng đã làm việc và thống nhất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện cũng đang chờ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) về. Ngoài ra, Sở sẽ cũng mời các chuyên gia để cùng tham gia.

Liên quan vấn đề xây bồn hoa quanh chân các tháp, ông Trần Viết Bảo – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định chia sẻ, cái này cũng nhiều yếu tố. Theo ông, với các công trình tháp Chăm không ai trồng hoa, trồng cỏ trong đó. Nếu trồng cây thì phải tưới nước, mà tưới nước sát chân tháp thì là yếu tố bất lợi về mặt vật liệu, theo thời gian thì sẽ làm giảm tuổi thọ của gạch.

“Hôm đi kiểm tra thực địa, các ngành cũng thống nhất là không triển khai nữa, nhưng ý của Sở VH&TT họ nói là khi ra lấy ý kiến của Cục Di sản văn hóa thì người ta đặt vấn đề là phần thiết kế này không có vấn đề gì”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng cho biết, đối với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh mà chủ đầu tư không thực hiện nghiêm thì đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo như chỉ đạo tỉnh cái nào dừng thì phải dừng, bởi vì nếu triển khai thì không ai thanh toán phần đó.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định thông tin, việc Sở VH&TT mời Cục Di sản văn hóa vào là để tham gia, góp ý cho Sở phương án chỉnh sửa để cho khả thi hơn trong việc triển khai tiếp của dự án này.

Vụ tu bổ tháp cổ ở Bình Định: Chủ đầu tư mời Cục Di sản văn hóa tham gia góp ý - Ảnh 1.

Cụm tháp Bánh Ít đang được tu bổ. Ảnh: Trương Định

Liên quan sự việc, trước đó, 10/3, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị chủ đầu tư các nhà thầu thi công không thi công bằng cơ giới ở khu vực các tháp vùng bảo vệ vòng 1 di tích tháp Bánh Ít (không san gạt, đào bới,…). Tập trung triển khai đẩy nhanh thi công các hạng mục như: khu chức năng (đón tiếp, trưng bày, bảo vệ, vệ sinh); đường liên tháp Chính phía nam, bãi đậu xe. Thi công gọn, dứt điểm từng khu vực không tràn lan.

Chỉ đạo đơn vị thi công, trước mắt tạm dừng các công việc liên quan đến sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính và tháp Bia. Ngoài ra, giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở VH&TT nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các việc xây dựng trên sân tháp; bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình; lát nền xung quanh các tháp đảm bảo về quy mô (vật liệu, chiều dày), không làm ảnh hưởng đến giá trị của các tháp.

Vụ tu bổ tháp cổ ở Bình Định: Chủ đầu tư mời Cục Di sản văn hóa tham gia góp ý - Ảnh 2.

Khu vực chân tháp Cổng. Ảnh: Trương Định

Như Tiền Phong đưa tin, ngày 4/3, Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Định phối hợp với UBND xã Phước Hiệp và các bên liên quan kiểm tra công trình dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp).

Qua buổi làm việc, Thanh tra Sở này đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới. Đưa thiết bị máy móc ra khỏi hiện trường. Ngoài ra, cũng yêu cầu trong quá trình thi công xây dựng tiếp theo phải thi công xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt và có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng của di tích.

Công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương ngày 1/9/2021 và giao cho Sở VH&TT của tỉnh này làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng.

Tháp Bánh Ít là quần thể tháp Chăm gồm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính cùng nằm trên ngọn đồi cao bên sông Kôn thuộc xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), công trình được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại