Hầu hết mọi người đều nghĩ không gian như một mặt phẳng. Bạn đi theo một hướng và điểm bạn dừng lại cách xa điểm xuất phát của bạn. Tuy nhiên, theo Digital Trends, một nghiên cứu mới cho thấy thực tế vũ trụ có thể là hình cầu, tức là nếu bạn đi đủ xa theo cùng một hướng, bạn sẽ trở lại xuất phát điểm của mình.
Dựa trên thuyết tương đối của Einstein, không gian có thể uốn thành các hình dạng khác nhau. Vì thế, các nhà khoa học cho rằng vũ trụ phải mở, phẳng hoặc đóng.
Vũ trụ phẳng là hình dạng dễ hiểu nhất. Đó là cách chúng ta trải nghiệm không gian trong cuộc sống hàng ngày, khi đó chùm ánh sáng sẽ được kéo dài tới vô tận. Một vũ trụ mở sẽ có hình yên ngựa, với ánh sáng được uốn cong theo hình dáng đó. Còn vũ trụ kín sẽ có không gian hình cầu, với chùm ánh sáng liên tục di chuyển xung quanh và trở về điểm khởi đầu.
Để xác định hình dạng của vũ trụ, các nhà khoa học đã dựa vào hiện tượng "bức xạ nền vũ trụ" (CMB). Đây là bức xạ điện từ còn sót lại từ vụ nổ Big Bang. Nó lấp đầy không gian và có thể được phát hiện bằng kính viễn vọng vô tuyến chuyên dụng.
Các nhà nghiên cứu đo lường được sự biến động của CMB bằng cách sử dụng dữ liệu từ đài quan sát vũ trụ Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Những biến động này có liên quan đến lượng vật chất tối và năng lượng tối trong vũ trụ.
Hình dạng của vũ trụ theo các học thuyết: Mở, phẳng và khép kín. Ảnh: Digitaltrends.
Mặc dù không thể phát hiện được vật chất tối hoặc năng lượng tối, nhưng chúng ta có thể biết xác định được sự tồn tại của chúng. Thông qua CMB, các nhà nghiên cứu đã tìm ra manh mối về hình dạng của vũ trụ.
Giải thích rõ ràng nhất cho những phát hiện này là vũ trụ bị đóng kín, không phẳng như các học thuyết trước đây. Đây là một phát hiện đầy kịch tính, có thể trở thành một cuộc khủng hoảng về vũ trụ học. Tuy nhiên, phát hiện này vẫn chưa đủ thuyết phục.
Ví dụ, vũ trụ không ngừng mở rộng và các nhà khoa học không thể xác định được quá trình đó diễn ra nhanh hay chậm, khiến cho việc dự đoán độ cong của vũ trụ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, có nhiều phân tích khác về dữ liệu Planck bổ trợ cho học thuyết về vũ trụ phẳng.