Vụ thuê chặt chân tay mình lấy 3,5 tỷ bảo hiểm: Xử lý thế nào?

Hoàng Đan - Phạm An |

Theo các luật sư, thanh niên được thuê chặt đứt tay chân của người phụ nữ để trục lợi hơn 3 tỷ bảo hiểm có thể bị xử lý hình sự, phạt tù đến 3 năm.

Có bị truy cứu hình sự?

Vụ việc Lý Thị N. (trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt chân tay của chính mình, giả bị tàu hỏa cán đứt để đòi bảo hiểm nhân thọ chi trả hơn 3 tỷ đồng đang khiến dư luận bàng hoàng.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng, có thể nói rằng vụ việc tự chặt tay chân để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ là vụ việc gây chấn động trong dư luận và đây là vụ việc chưa có tiền lệ tại nước ta.

"Trên thế giới, đặc biệt tại những nước phát triển thì việc mua bảo hiểm như trên là rất phổ biến. Nhưng ở nước ta, có lẽ nhiều người sẽ không thể tưởng tượng nổi là tại sao lại có người coi rẻ tính mạng, sức khỏe của mình như vậy, sẵn sàng đánh đổi để được nhận tiền bảo hiểm nhân thọ.

Rất may là vụ việc này đã được phát hiện sớm và đang được cơ quan công an kịp thời xử lý", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực bảo hiểm thì có bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện (bảo hiểm nhân thọ thuộc loại bảo hiểm tự nguyện). Với những loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… thì người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính.

Còn đối với các loại bảo hiểm tự nguyện khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nghề nghiệp… thì được điều chỉnh bởi luật dân sự. Nếu hành vi vi phạm hợp đồng bảo hiểm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, nếu bên nào gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Nếu hành vi vi phạm hợp đồng bảo hiểm như gian dối, làm giả tài liệu nhằm chiếm đoạt tài sản... có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với người vi phạm theo các tội danh xâm phạm quyền sở hữu hoặc tội danh xâm phạm về trật tự quản lý hành chính quy định trong BLHS hiện hành.

Khoản 10, Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

"Trong trường hợp này thì bảo hiểm sẽ không phát sinh do người mua bảo hiểm là N. đã thuê người tự chặt tay chân của mình nên sẽ không được nhận tiền bảo hiểm, nạn nhân sẽ phải tự mình gánh chịu hậu quả.

Ngoài ra, hành vi tự chặt tay, chân mình như vậy để thực hiện hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.

Vụ thuê chặt chân tay mình lấy 3,5 tỷ bảo hiểm: Xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Còn luật sư Nguyễn Tiến Long (Hà Nội) cũng cho hay, qua thông tin từ Công an quận Bắc Từ Liêm thì hành vi của chị N. và anh D. đã được cơ quan công an phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đối với công ty bảo hiểm.

Hành vi của N. là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, anh D. là đồng phạm tích cực. Tuy nhiên do bị phát hiện sớm nên việc chiếm đoạt tài sản của chị N. chưa diễn ra, hành vi này không cấu thành tội phạm.

"Nếu như hành vi của N. thành công, phía công ty bảo hiểm tiến hành thanh toán khoản bảo hiểm thì từ thời điểm N nhận được tiền, hành vi của N sẽ được coi là dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn hành vi này đã được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự", luật sư Long nói.

Thuê người gây thương tích cho minh sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Cường cho biết thêm, đối với hành vi tự gây thương tích cho mình thì pháp luật hình sự hiện hành chưa có chế tài đối với hành vi trên.

Tuy nhiên, đối với hành vi thuê người gây thương tích cho mình thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, người được thuê có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS.

"Trong vụ việc trên cần giám định thương tích của chị N., nếu thương tích không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS (dưới 11%) thì vụ việc này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại ( điều 105 BLHS).

Khi đó cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của người kia về tội cố ý gây thương tích (gây thương tích thuê) theo quy định tại Điều 104 BLHS", luật sư Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, các quy định cũng chưa cụ thể chi tiết về loại tội phạm này, do đó, sắp tới cần hoàn thiện các quy định pháp luật, nếu cần thiết có thể ban hành thêm các tội phạm cụ thể về lĩnh vực này để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong tương lai.

Cũng trao đổi với chúng tôi, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng cho biết, trên thế giới cũng đã có những vụ việc như thế này, tuy nhiên, ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên xảy ra. Đây là hành vi cố ý và tinh vi, xảo quyệt.

Trong vụ việc này, hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ và với trường hợp này, thì các công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường, còn nếu người này đã cố tình chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì sẽ đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố vụ án.

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Việc cơ quan chức năng phát hiện hành vi chị N. thuê người hủy hoại một phần thân thể mình khiến chị không nhận được tiền bảo hiểm, mà còn đẩy chị N. vào thiệt thòi về nhiều mặt, mất cả uy tín và danh dự cho mình. Đồng thời, hành vi này cũng khiến chị vi phạm pháp luật".

Cũng theo ông Hùng, do sự việc bị phát hiện ngăn chặn kịp thời, nên chị N. chưa chiếm đoạt được tiền của công ty bảo hiểm. Vì vậy, hành vi của người này chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ có dấu hiệu gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, người nào Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Trường hợp gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

"Tuy nhiên, vì Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành, do đó không thể áp dụng điều luật này để xử lý chị N về hành vi trên. Việc xác định có hay không hành vi phạm tội trong vụ việc này sẽ được cơ quan chức năng điều tra, xác minh cụ thể.", luật sư Hùng nói thêm.

Riêng Doãn Văn D. là người được chị N. thuê dùng hung khí gây thương tích đã đủ 18 tuổi, phải nhận thức được hành vi của mình. Việc dùng hung khí tác động vào vùng chân, tay của chị N. gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người này.

Dù chị N. có thuê hay bất cứ động cơ mục đích nào khác, thì thanh niên cũng phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự. Kể cả tỷ lệ thương tật của chị N. dưới 11%.

Tùy theo kết quả giám định tỉ lệ thương tật của chị N. mà D. có thể bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm, hoặc phạt từ từ sáu tháng đến ba năm. Việc D. có phải bồi thường hay không tùy theo yêu cầu chị N. đối với anh ta.

Luật sư Hùng cho biết tính tới thời điểm này, ngoài hành vi của chị N. thì ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào mà người mua bảo hiểm cố tình gây ra thương tích để nhận được tiền bồi thường. Có thể chị N. đã quá túng quẫn nên mới thực hiện hành vi trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại