Vụ việc xảy ra vào ngày 17/4 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Trong camera giám sát trên cầu cho thấy có một chiếc ô tô đột nhiên dừng giữa cầu và có một cậu bé mở cửa chạy ra ngoài và nhảy xuống tự vẫn trước mặt mẹ. Người mẹ không thể giữ được con nên đã đau đớn gục khóc ngay tại chỗ.
Sự việc khiến các bậc phụ huynh ám ảnh.
Theo báo cáo cho biết, cậu bé là sinh viên năm 2 tại trường dạy nghề ở Thượng Hải.
Hôm đó, cậu có mâu thuẫn với các bạn cùng lớp, sau đó thì mẹ đã la mắng và xảy ra kết cục bi thảm.
Không ai biết rằng người mẹ đã nói gì với con trai, nhưng nhìn vào thảm kịch có thể thấy được lời nói của người mẹ đã kích động như thế nào khiến cậu vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến hành động dại dột như thế.
Nhiều người cho rằng, tình huống trong lúc đó vô cùng nguy hiểm, về mặt an toàn giao thông có thể sẽ gây ra tai nạn liên hoàn vì dừng xe giữa cầu, tuy nhiên điều nguy hiểm hơn tất cả đó là sự sụp đổ trong trái tim của cậu con trai 17 tuổi.
Nếu ai đã từng làm mẹ thì sẽ hiểu được rằng, đây là một cú sốc quá tàn nhẫn đối với người mẹ khi phải chứng kiến cảnh này.
Trước sự việc này, chuyên gia tâm lý quan hệ cha mẹ và trẻ em - Jane Zhou đã đưa ra những quan điểm mà nhiều bậc phụ huynh cần phải lưu tâm:
Bố mẹ và con cái phải có sự kết nối
Nhiều người cho rằng, những đứa trẻ trong xã hội ngày nay rất mỏng manh đến mức chúng có thể đánh nhau, thậm chí hơn là làm những chuyện dại dột.
Một số lại cho rằng những đứa trẻ quá ích kỷ, chúng cố tình bốc đồng gây sự chú ý của bố mẹ, hay là muốn dùng tính mạng để đe dọa, trả thù và khiến bố mẹ đau khổ suốt đời.
Đối với những điều này, bố mẹ nên hiểu rằng chúng ta đã bỏ lỡ mất mấu chốt của vấn đề, đó là sự giao tiếp hằng ngày trong gia đình.
Nếu như bố mẹ cố gắng thấu hiểu con hơn, cố gắng biết được chúng sẽ bị kích động với những câu nói gì thì chắc có lẽ sẽ không có chuyện xấu xảy ra.
Trước thảm kịch trên, có nhiều người đứng về phía cậu bé và trách cứ người mẹ. Nhưng cũng không ít người cho rằng, đứa trẻ quá yếu đuối, quá ích kỷ, không hiểu được sự khó khăn mà bố mẹ vẫn đang từng ngày trải qua.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho rằng, dù thế nào thì sự thấu hiểu và kết nối giữa bố mẹ và con cái là điều không thể thiếu, không có ai được xem nhẹ việc này.
Đối với con trẻ, suy nghĩ của chúng thật sự vẫn chưa thể trưởng thành, sự phát triển trong tâm trí vẫn chưa hoàn thiện, cũng như sự hiểu biết vẫn còn sai lệch rất nhiều.
Ngoài ra, từ góc độ nghiên cứu khoa học não bộ có thể phân tích được, đối với những trẻ em vị thành viên, mặc dù khả năng nhận thức của chúng phát triển tương đối, nhưng về mặt cảm xúc vẫn cần thời gian để hoàn thiện và điều này rất dễ tạo ra những sự ngu ngốc, bốc đồng.
Điều này được xác định bởi quy luật phát triển thể chất và tinh thần. Vì vậy, việc trẻ phạm sai lầm là chuyện bình thường, quan trọng là cách trả lời của bố mẹ.
Hãy thương con bằng hành động
Các chuyên gia cho rằng, không có bố mẹ nào mà không thương con, tuy nhiên lời nói dù yêu thương hay ghét bỏ đều có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến tâm lý trẻ.
Bố mẹ luôn nghĩ là mình thương con nhưng lại nói những lời nói khó nghe thì làm sao chúng có thể cảm nhận được tình yêu từ bạn.
Nếu cha mẹ chỉ nói suông, mà không quan tâm đến mặt cảm xúc của đứa trẻ thì có thể ngọn lửa giận dữ đó có thể thiêu đốt mọi thứ.
Nhiều bậc cha mẹ thường phàn nàn rằng con cái không hiểu được bố mẹ đã vất vả như thế nào, nhưng chưa bao giờ tự đặt câu hỏi rằng mình đã hiểu được con cái chưa?
Trên thực tế, người lớn đã từng trải qua giai đoạn làm trẻ con, nhưng trẻ con lại không có kinh nghiệm làm người lớn. Trong trường hợp này, bố mẹ nói xem chúng ta cần hiểu cho ai hơn?
Có bao nhiêu bố mẹ cố gắng thực sự đứng trên quan điểm của trẻ để hiểu những gì chúng đã trải qua và những gì chúng đã cảm nhận.
Khi chúng muốn nói chuyện, bố mẹ có chắc rằng mình sẽ chuyên tâm lắng nghe mà không hề bình luận gì không?
Đây là những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản nhưng khi bố mẹ bỏ qua lại có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chúng.
Tại một thời điểm nào đó, khi con vấp phải những sai lầm gì, bố mẹ nên dùng sự lý trí của mình để cố gắng hết sức không la mắng hoặc làm cho trẻ bị tổn thương.
Sau tất cả, những sai lầm của trẻ đều có thể sửa chữa được khi bố mẹ tạo điều kiện để chúng biết mình được yêu thương, được tha thứ và dần thay đổi nhận thức sâu sắc.