Tàu của ông Thãi là 1 trong 4 tàu thép hư hỏng được Công ty TNHH MTV Nam Triệu đưa vào nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa. Tuy nhiên, đến lúc này, chiếc tàu vẫn nằm trên đà, chưa biết khi nào mới ra khơi được.
“Bão số 12 vừa qua, phía nhà máy không đưa tàu của tôi lên đà tránh bão mà để dưới nước nên tàu bị va đập vào sà lan bên cạnh gây hư hỏng nặng.
Vị trí tôn phần mạn tàu bị móp, 40 bóng đèn bị vỡ, nhiều thiết bị trên tàu hư hỏng. Lỗi này thuộc về phía nhà máy đóng tàu, tôi yêu cầu phải sửa lại tất cả”, ông Thãi nói.
Cũng theo ông Thãi, đã qua hơn 20 cuộc họp mà tàu vẫn chưa sửa xong. Gần cả năm trời, ông chạy tới, chạy lui để đấu tranh, giám sát sửa chữa tàu nhưng mọi việc vẫn chưa đến hồi kết, kinh tế gia đình kiệt quệ.
“Công ty đóng tàu phải đưa ra mốc thời gian cụ thể sửa chữa tàu cho ngư dân, cứ đà này đói chứ chẳng đùa.
Công ty ngâm tàu càng lâu thì ngư dân càng tổn thất và số tiền đền bù cho chúng tôi càng tăng. Trước khi bàn giao, công ty đóng tàu không giải quyết tiền đền bù thiệt hại, tôi nhất định không nhận tàu”, ông Thãi bức xúc.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện còn 10 tàu cá vỏ thép hư hỏng chưa được sửa xong.
Trong đó, có 6 tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu; 4 tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cơ bản hoàn thành việc sơn sửa, còn chờ Trung tâm đăng kiểm tàu cá kiểm tra một số hạng mục.
Riêng 4 tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu mang vào Cam Ranh sửa chữa dự kiến đến ngày 15/12 mới xong vì thời gian qua mưa nhiều nên không sơn tàu được.
Về việc bồi thường thiệt hại, ông Hổ cho hay, vừa qua Sở NN&PTNT đã đề nghị các ngư dân kê khai thiệt hại có xác nhận của địa phương và Phòng Nông nghiệp huyện.
Tỉnh có giao cho huyện làm việc với các cơ sở đóng tàu nhưng các cơ sở đóng tàu không đến, nên Sở NN&PTNT đã mời lãnh đạo 2 công ty đóng tàu cùng các ngư dân tuần này thảo luận về mức bồi thường.