Theo dự kiến, ngày 27-3, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo Đỗ Anh Dũng (SN 1961), Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh), và 14 đồng phạm cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong 4 ngày xét xử (từ ngày 19 đến 22-3), vấn đề trả tiền lãi, lãi chậm trả, tiền bồi thường thiệt hại việc mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh được một số bị hại, luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Hà Nội và tòa án cùng cấp xem xét, giải quyết.
Tại phiên toà, một số bị hại cho rằng hợp đồng mua trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tân Hoàng Minh là hợp đồng dân sự. Hai bên đã và đang thực hiện đúng hợp đồng và nội dung hợp đồng đúng pháp luật quy định. Thậm chí, mọi người khi ký hợp đồng đều biết rõ có ngân hàng và Công ty Chứng khoán Bảo Việt ký xác nhận; Công ty Chứng khoán Bảo Việt còn cung cấp thêm xác nhận nắm giữ trái phiếu đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp…
Trong bản luận tội, đại diện VKSND Hà Nội nêu: 9 gói trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành là trái pháp luật. Từ đó, cơ quan công tố đề nghị TAND Hà Nội tuyên các hợp đồng mua - bán trái phiếu là vô hiệu. Khi đối đáp, VKSND tiếp tục khẳng định việc mua bán trái phiếu là quan hệ dân sự. 9 gói trái phiếu mà Tân Hoàng Minh phát hành là vi phạm pháp luật, nên bị vô hiệu, giao dịch dân sự giữa các bị hại và tập đoàn là vô hiệu.
"Hợp đồng vô hiệu nên các điều khoản trong hợp đồng đều vô hiệu"- đại diện VKSND nhấn mạnh và cho rằng sẽ không tính lãi với các giao dịch đó.
Theo dõi vụ án, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng trong quá trình tố tụng, nếu bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại thì người bị hại được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng.
Trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, chỉ khi nào xác định được bị cáo phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, xác định bị cáo có gây thiệt hại cho người bị hại, xác định rõ phần trách nhiệm của từng bị cáo và xác định mức thiệt hại của từng người bị hại, khi đó mới có căn cứ để thi hành bản án, buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, chỉ những quan hệ dân sự hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới được thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận trước đó. Nếu thông qua hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư để một bên gian dối chiếm đoạt tài sản của bên kia thì bị cáo (người chiếm đoạt tài sản) phải chịu hình phạt và phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Ngoài số tiền đã chiếm đoạt, nếu người bị hại có căn cứ chứng minh còn có những thiệt hại khác phát sinh thì phải xuất trình chứng cứ để tòa án xem xét.
Nếu người bị hại bị lừa do bị cáo đưa ra lãi suất cao để vay tiền, đưa ra lợi nhuận không tưởng để đầu tư thì đây là thủ đoạn gian dối, không phải là căn cứ để yêu cầu thanh toán số tiền "bánh vẽ" này, bởi những thông tin này là phương thức thủ đoạn phạm tội chứ không phải là thỏa thuận dân sự hợp pháp.
Cũng theo luật sư, việc bồi thường thiệt hại bao nhiêu, bồi thường cho ai, trách nhiệm của từng bị cáo thế nào thì phải chờ phán quyết của Hội đồng xét xử.