Cả Nga, Mỹ và Iran đều cáo buộc Israel tấn công căn cứ quân sự này của Syria.
Tuy giới chức Israel chưa đưa ra lời bình luận, nhưng một cựu chỉ huy của lực lượng Không quân Israel đã khẳng định gần như chắc chắn rằng chính Israel đã thực hiện cuộc tấn công sân bay T-4 của Syria hôm 9/4 vừa qua.
Lí do Israel lựa chọn thời điểm này
Cuộc tấn công nhằm vào sân bay T-4 của Syria diễn ra chỉ hai ngày sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân nổi dậy ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, Syria.
Một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công hóa học hôm 7/4 vừa qua. Syria đã phủ nhận cáo buộc ấy, và đổ lỗi cho các thành phần nổi dậy.
Tướng Eitan Ben Eliyahu, cựu Tư lệnh Không quân Israel, đã dự đoán rằng chắc chắn các quốc gia khác sẽ phản ứng về vụ tấn công hóa học hôm 7/4.
Thị trấn Douma hoang tàn vì chiến tranh. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, rất có thể Israel đã sử dụng các cáo buộc về cuộc tấn công hóa học này làm cái cớ để giải quyết một vấn đề còn cấp bách hơn thế: Đó chính là việc Iran ngày càng gia tăng hiện diện tại Syria.
Israel đã nhiều lần cảnh báo về lằn ranh đỏ của mình khi nói tới Syria. Israel phản đối việc cung cấp cho phiến quân Hezbollah các loại vũ khí có sức công phá lớn. Israel cũng không cho phép bất kì hành động nào vi phạm đến chủ quyền nước này. Và rõ ràng, trong tình hình hiện nay, Israel sẽ nỗ lực đánh bật Iran khỏi Syria.
Lực lượng quân đội Iran đã có mặt tại sân bay T-4 vừa bị tấn công hôm 9/4. Giới chức Iran đã xác nhận điều này khi hãng thông tấn Fars đưa tin 4 người Iran đã thiệt mạng trong vụ tấn công này. Ngoài ra, quan chức Israel cho biết một chiếc máy bay của Iran từng bay vào không phận Israel hồi tháng Hai vừa qua cũng được phóng lên từ căn cứ này.
Phát biểu với Đài Phát thanh Quân đội Israel, ông Yair Lapid, lãnh đạo đảng đối lập Yesh Atid, cho biết: "Căn cứ T-4 không chỉ là của riêng Syria nữa, nó đã trở thành căn cứ chung của Syria và Iran.
Và chúng ta đều biết rõ rằng Israel từng tuyên bố sẽ không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria, và cũng sẽ không chấp nhận Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria. Điều này có cái giá của nó."
Lí do Israel lo ngại về Iran
Israel luôn coi Iran là mối đe dọa sống còn và là mối nguy lớn nhất đối với tương lai của quốc gia. Israel đã chứng kiến Iran gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông – từ Iraq tới Syria và Lebanon – với sự cảnh giác cao độ, và luôn kêu gọi Nga, Mỹ và các quốc gia khác hành động. Tuy nhiên, Israel hầu như phải trông cậy vào chính mình để hạn chế hiện diện của Iran tại Syria.
Trước khi cuộc nội chiến Syria nổ ra hồi năm 2011, Israel đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Syria, cho phép hai nước láng giềng cùng tồn tại hòa bình, mặc dù Syria chưa bao giờ chính thức công nhận nhà nước Israel.
Nhưng sự hiện diện của Iran tại Syria đã thay đổi thỏa thuận ngầm này, và Israel đã nhiều lần tấn công Iran tại Syria trong những năm gần đây.
Iran đã nhiều lần đe dọa sẽ tiêu diệt Israel, và những người dân nước này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình hô vang khẩu hiệu đòi tiêu diệt Mỹ và Israel.
Năm 2015, Iran đã kí kết thỏa thuận hạt nhân với các quốc gia P5+1, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ, qua đó các quốc gia chấp nhận dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Iran trong khi vẫn cho phép Iran tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và nghiên cứu hạt nhân.
Lo ngại khủng hoảng hạt nhân sẽ nổ ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cực lực phản đối thỏa thuận này.
Lời tuyên bố "có thể sẽ rút quân khỏi Syria" của Tổng thống Trump
Hôm 29/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này sửng sốt khi tuyên bố "sẽ sớm rút quân khỏi Syria". Tuy nhiên, đến ngày 4/4, ông Trump lại thay đổi lập trường và đồng ý tiếp tục duy trì quân đội Mỹ tại Syria.
Rõ ràng, việc Mỹ rút quân khỏi chiến trường Syria không phải là chuyện dễ dàng hay có thể thực hiện chỉ trong một sớm một chiều. Tuyên bố của ông Trump chắc hẳn đã khiến Israel lo ngại, nhưng chính quyền ông Netanyahu có lẽ sẽ không chỉ trích công khai lập trường của Mỹ.
Đối với Israel, ít nhất việc Mỹ hiện diện quân sự tại Syria cũng là điểm tựa vững chắc để giúp họ chống lại Iran, và là đòn bẩy đảm bảo cho tương lai của Syria. Việc mất đi điểm tựa này sẽ là đòn chí mạng khiến những nỗ lực ngăn chặn Iran của Israel tan thành mây khói.
Bộ trưởng Bộ Công an Gilad Erdan đã phát biểu trên Đài phát thanh Quân đội Israel hôm Chủ nhật vừa qua (8/4) rằng: "Chúng tôi hy vọng Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ gia tăng hiện diện tại Syria, nếu không thì tình hình diệt chủng tại khu vực này sẽ ngày càng tệ hơn".
Vai trò quan trọng của nước Nga
Nga và Israel thường phối hợp hành động quân sự tại Syria với mục đích giảm căng thẳng tại khu vực này. Hai nước đã thiết lập cơ chế phối hợp quân sự sau khi Nga điều lực lượng quân đội tới Syria hồi năm 2015.
Trước đây, Israel luôn thông báo và cập nhật cho Nga về các kế hoạch hành động của mình, tuy nhiên, lần này, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Israel không hề liên hệ với Nga trước và trong cuộc không kích nhằm vào Syria.
Đó là điều rất bất thường, bởi duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga là nhiệm vụ rất quan trọng, nếu như Israel muốn tiếp tục hiện diện tại Syria.
Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định sẽ đối thoại với Thủ tướng Netantahu về cuộc không kích, bởi nhiều cố vấn của Nga vẫn đang có mặt trong căn cứ quân sự T-4.
Cơ chế phối hợp quân sự của Nga và Israel bắt đầu có nhiều dấu hiệu căng thẳng trong những tháng gần đây.
Trong tháng Hai vừa qua, khi Nga giao chiến đấu cơ tàng hình SU-57 cho Syria, một chính trị gia Nga dường như đã ám chỉ Israel khi nói rằng Nga đưa loại chiến đấu cơ này đến Syria với mục đích gửi một thông điệp chính trị "đến các nước láng giềng thường điều máy bay quân sự trái phép vào không phận Syria".
Mỹ: có nhiều sự lựa chọn Quân Sự với Syria