Năm 1978, bè lũ Pol Pol - Ieng Sary đàn áp, giết chóc nhân dân Campuchia. Chúng tiến hành xâm lược trên toàn tuyến tây nam của Việt Nam. Khi đó Việt Nam đã tìm mọi cách để bàn với đảng của Pol Pol, để làm sao giải quyết được vấn đề đó trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị. Thế nhưng, mọi nỗ lực không thành công.
Ngày 30/4/1975, Đại tá Trịnh Vinh Pha là Thư ký Tư lệnh Quân đoàn 4 vào Sài Gòn làm nhiệm vụ quân quản thì ngày 2/5/1975 đơn vị của ông đã tiếp tục phải kéo quân ra Tây Ninh chiến đấu với quân Pol Pot, không một ngày ngơi nghỉ.
Năm 1978, nhân dân Campuchia chìm đắm trong chế độ diệt chủng của Pol Pot, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Nam cũng ngày càng quyết liệt. Trước những hành động gây chiến của bè lũ Pol Pot, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Ban Công tác Z Trung ương, lấy bí danh là Ban B68 để hỗ trợ Cách mạng Campuchia.
Đại tá Trịnh Vinh Pha, nguyên Trợ lý trưởng ban B68 vẫn còn nhớ ngày Tướng Hoàng Thế Thiện, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gọi ông lên phòng làm việc để giao nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam.
Một sáng mùa đông, ông Pha được Tướng Hoàng Thế Thiện gọi lên phòng làm việc. Ông được lưu ý rằng đây là nhiệm vụ bí mật.
Tướng Hoàng Thế Thiện được cử vào biên giới Tây Nam và đề nghị Đại tá Trịnh Vinh Pha đi cùng vì Đại tá Pha đã quen với chiến trường trong ấy.
Ngay chiều hôm ấy, vừa hạ cánh xuống Thành phố Hồ Chí Minh, Tướng Hoàng Thế Thiện được mời vào gặp ông Lê Đức Thọ. Ông Thọ thay mặt Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho ông Thiện làm trưởng ban B68 giúp cách mạng Campuchia. Lúc này chiến tranh biên giới Tây Nam đã bước sang năm thứ 3 với mức độ ngày càng ác liệt. Ở phía Bắc tình hình cũng rất căng thẳng.
Khoảng cuối năm 1978, chục ngày trước ngày 7/1/1979 - ngày Giải phóng Phnom Penh, một cuộc họp quan trọng của Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng tại nhà "Con ó" trong sân bay Tân Sơn Nhất để quyết định kế hoạch quân sự giúp bạn giải phóng Campuchia. Cuộc họp kéo dài từ sáng đến hơn 13 giờ mới kết thúc.
Sau cuộc họp, ông Pha được giao đem ngay cuộn băng ghi âm xuống Thủ Đức, nơi đặt Đài tiếng nói nhân dân Campuchia để kịp thời phát sóng.
Đây là bài phát thanh dạo đầu có mục đích nhằm rộng đường dư luận trong và ngoài nước trước khi chiến dịch mở màn.
Xe đến Trạm 66B Bộ Quốc phòng thì bị tai nạn, một chiếc xe trái đường đã đâm vào xe của Đại tá Pha. Người lái xe bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hai người đều an toàn nhưng vụ tai nạn này khiến lãnh đạo Ban B68 nghĩ đến việc kế hoạch có thể đã bị lộ. May mắn mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, cuốn băng ghi âm được đưa xuống Đài Phát thanh đúng giờ quy định và chiến dịch quân sự diễn ra theo đúng kế hoạch.
Chiều mùng 7/1/1979, khi được tin Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã vào giải phóng Phnom Penh thì tại Trạm 66B Bộ Quốc phòng, ta đang giúp bạn tổ chức Hội nghị bàn nhiệm vụ cứu nguy dân tộc (sau này bạn coi đây như Đại hội có dấu mốc khôi phục Đảng). Khi được tin thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, mọi người không giấu nổi vui mừng.
Sau ngày 7/1, ta lại bắt tay ngay vào việc để giúp bạn. Ngày 20/1, chúng ta bắt đầu bàn việc đưa các lãnh đạo trung ương Campuchia về nước.
Đội ngũ này có 9 người và Thiếu tướng Phùng Thế Tài (sau này là Thượng tướng) cho biết Tổng cục Hàng không dân dụng chuẩn bị 7 chuyên cơ để đưa trung ương bạn về nước.
Sở dĩ phải bố trí đến 7 chuyên cơ là bởi đây là lực lượng gây dựng công phu lắm mới có. Đây là tài sản quý của Campuchia, nếu đi 1 máy bay nhỡ có chuyện gì thì biết tính làm sao, Đại tá Pha nhắc lại chỉ thị của Tướng Phùng Thế Tài lúc đó.
Vậy là đúng 9 giờ sáng ngày 24/1/1979, Ban B68 tổ chức đưa trung ương bạn về nước, 7 máy bay chuyên cơ lần lượt cất cánh từ Thành phố Hồ Chí Minh về Phnom Penh. Đại tá Pha được cử đi cùng trong chiếc chuyên cơ cuối cùng.
Đến Phnom Penh, sau khi giúp trung ương bạn ổn định chỗ ở, và tổ chức canh gác, đoàn Việt Nam, Đại tá Pha cùng các đồng dội bắt đầu đi tìm chỗ nghỉ cho mình.
Thành phố Phnom Penh lúc đó vắng lặng, không một bóng người. Xe chạy một vòng trên những đại lộ, không đi vào các phố cắt ngang vì đề phòng tàn quân Pol Pot. Xế chiều, xe chở Đại tá Pha cùng các đồng đội dừng lại trước khách sạn Hàng không trên đại lộ Mô ni vông và quyết định ở lại đây một đêm.
Nhìn bên ngoài, khách sạn này khá sạch sẽ nhưng khi bước vào bên trong, một mùi tanh bốc lên rất khó chịu. Bước vào phòng, Đại tá Pha chứng kiến một cảnh tượng thật rùng rợn: trên tường còn dính đầy máu và tóc. Phòng bên cạnh, các chiến sĩ khác cũng đang đưa một thi thể đã chết được mấy ngày đem đi chôn cất. Mọi người phải hì hụi làm vệ sinh cho đến quá nửa đêm để lấy chỗ ngả lưng.
Chỉ 2 ngày sau, bộ phận gọn nhẹ của văn phòng Ban B68 bắt tay ngay vào giai đoạn hỗ trợ Campuchia tái thiết đất nước. Công việc rất bận rộn, làm việc liên tục không có ngày nghỉ, mọi người đều còn việc còn làm, bao giờ xong mới nghỉ, Đại tá Pha kể lại.
Những ngày đầu, đoàn chuyên gia Bộ Ngoại giao do ông Ngô Điền - Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Campuchia - rất bận trong việc giúp mở lại cơ quan Đại sứ quán và đón nguyên thủ một số nước đến thăm.
Nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Campuchia sau ngày đánh đổ chế độ Pol Pot là Chủ tịch Lào Xu-pha-nu-vông.
Mấy ngày trước chuyến thăm, phía Lào đã cử một máy bay vận tải chở những vật dụng cần thiết như băng rôn, bằng cả 2 thứ tiếng, quốc kỳ hai nước, cả dây buộc và thang để treo căng băng rôn và cờ…
Phía bạn Lào giải thích rằng các đồng chí Việt Nam đang giúp Lào, nay lại giúp Campuchia, vất vả. Nếu Lào không chuẩn bị thì sang đây các đồng chí Việt Nam lại phải làm, vất vả lắm. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng thể hiện tình cảm cao đẹp của những người đồng chí, anh em Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đến cuối năm 1979, ban B68 đã giúp bạn cơ bản xây dựng xong bộ máy từ trung ương đến tỉnh, huyện, phum, khum, khôi phục lại nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và kiệt quệ. Chỉ mấy tháng sau ngày đất nước giải phóng, những cánh đồng chết đã được phủ kín màu xanh của lúa, những mái trường mới được dựng lại, bệnh viện hoạt động trở lại, Campuchia từng ngày hồi sinh.
Tuy nhiên, tình thế lúc bấy giờ chưa cho phép quân tình nguyện Việt Nam rút về nước. Lực lượng Khmer Đỏ được sự "hà hơi tiếp sức" của các thế lực, tuy bị tan rã nhưng phần lớn chưa bị tiêu diệt, đã tập hợp lại. Vì vậy, chúng ta đã phải cùng bạn tiếp tục chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng.
Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, chủ trương của ban B68 vẫn là nhanh chóng hỗ trợ bạn củng cố lực lượng về mọi mặt để có thể tự đảm đương việc quản lý, điều hành đất nước và bảo vệ thành quả cách mạng để chúng ta rút chuyên gia và quân tình nguyện về nước. Đó là lý do vì sao quân tình nguyện Việt Nam buộc phải ở lại Campuchia đến 10 năm.
Hơn 10 năm trên đất nước Campuchia, bộ đội tình nguyện và lực lượng chuyên gia Việt Nam đã hiến một phần tuổi thanh xuân của mình. Với Đại tá Pha, đây là sự giúp đỡ vô cùng chí tình, vô tư, trong sáng và hiếm có trên thế giới.
Hiện tại, gia đình Đại tá Pha đang nhận đỡ đầu 3 sinh viên Campuchia học tại Việt Nam. Đây chỉ là 3 trong số khoảng 1.500 sinh viên Campuchia ở miền Bắc đang theo học ở các trường, được gia đình cựu quân nhân tình nguyện nhận đỡ đầu, thuộc sáng kiến Ươm mầm hữu nghị mà Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đang thực hiện. Đó là cách để chứng minh rằng quan hệ Việt Nam "được viết bởi lịch sử nhưng hướng tới tương lai", Đại tá Pha nói.
Mang ơn đội quân nhà Phật
Ba tôi là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam, 2 ông bà đã từng sống ở Campuchia nhưng sau khi có chiến tranh thì mẹ tôi ở Việt Nam còn ba tôi thì quay trở về Campuchia.
Tôi từng nghe ba kể lại, năm 1970, khi ba tôi quay trở về đất nước thì không may ông cùng một số cán bộ tập kết ở Việt Nam bị bắt. Sau hơn 1 năm bị bắt giữ, nhóm cán bộ gồm khoảng 100 người bị đưa đi chôn sống.
Khi ra đến bãi đất, do đã bàn bạc trước đó, vừa được cởi trói thì mọi người cùng hô to: "Chạy!" và đồng loạt chạy theo nhiều hướng. Quân Pol Pot thấy thế liền dùng súng bắn theo. Do sức yếu, mọi người bị trúng đạn nhiều. Ba tôi bị trúng 4-5 phát súng vào người, trong đó, 3 viên vào chân, 2 viên vào bụng. Ba tôi chạy được một lúc thì ngất đi. Do sức yếu, ông nằm đó trong vài ngày thì một đêm nghe tiếng xào xạc, có nhiều tiếng chân, và có người nói tiếng Việt: "Tiến lên!"
Nửa tỉnh nửa mơ, ông không rõ là thực hay mơ. Có tiếng người nói tiếp: "Thử xem còn ai sống không?".
Nhân lúc có người chạy qua, ba tôi túm chân lại, chỉ kịp nói mấy tiếng: "Cứu tôi với!" rồi lại ngất đi.
Khi tỉnh lại, ông đã ở bệnh viện Tây Ninh cùng rất nhiều đồng đội. Sau khi ba tôi lành vết thương, ông trở về Campuchia tiếp tục chiến đấu.
Tôi mang ơn bộ đội Việt Nam vì cứu ba tôi. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật. Những người dân đã trải qua thời kỳ diệt chủng của Pol Pot đều biết bộ đội Việt Nam là ai, Việt Nam đã hồi sinh đất nước Campuchia như thế nào, họ đều biết ơn đội quân nhà Phật.
Thế hệ trẻ giờ không thể tưởng tượng có chế độ diệt chủng tàn sát dã man như vậy, cưa cổ bằng lá thốt nốt, giết người bằng cuốc.
Bằng chứng tội ác rõ ràng của quân Pol Pot vẫn còn ở trong các nhà tù, ở những chiếc hộp sọ không lành lặn, đều có vết nứt. Đó bằng chứng được lưu lại chứ không phải bịa đặt.
Cho đến khi bộ đội Viêt Nam về nước năm 1989, rất nhiều người khóc khi phải chia tay với những người đã có ơn cứu mình. Nhân dân Campuchia đổ ra đường chia tay đội quân nhà Phật, khóc như mưa.
Chị Bo Pha Yos, công tác tại Bệnh viện Khmer - Xô-viết, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia