Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh về thời khắc lịch sử của 45 năm trước, phát ngôn viên CPP ông Sok Eysan cho biết, dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhân dân Campuchia rơi vào nỗi thống khổ chưa từng có trên thế giới.
Ông Eysan nhấn mạnh, vào thời điểm cách đây 45 năm, chỉ có Quân tình nguyện Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết và ý nguyện của người dân Campuchia - chủ nhân của đất nước Campuchia.
Vào ngày 7/1/1979, lực lượng yêu nước tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, cùng với hỗ trợ của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và cứu hàng triệu sinh mạng của đất nước này.
Giây phút cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia
Trả lời phỏng vấn trên tờ Khmer Times về kí ức ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ, Tiến sĩ sử học Campuchia Vong Sotheara cho biết:
"Tôi mới chỉ khoảng 8 tuổi và sống cùng gia đình ở Khu 42 của Kampong Cham trong những ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ. Vài ngày trước hôm 7/1/1979, chúng tôi nghe thấy tiếng súng và tiếng bom đạn liên tục. Những âm thanh ngày càng gần chúng tôi và tới hôm 7/1 thì toàn bộ lực lượng Khmer Đỏ ở vùng tôi ở đều 'biến mất'.
Mẹ tôi dự cảm có lẽ một cuộc chiến khác đã nổ ra nên chúng tôi quyết định trốn vào rừng.
Cho tới vài ngày sau, chúng tôi gặp một toán lính Khmer Đỏ, tất cả trông đều yếu ớt và thất vọng. Với giọng mệt mỏi, họ hỏi đường chúng tôi rồi rất nhanh chóng rời đi.
Ngày nay, một số học sinh của tôi nghĩ rằng chiến tranh và sự hỗn loạn là thứ gì đó thật kịch tính và hồi hộp. Tôi luôn phải nhắc nhở các em rằng, chiến tranh không mang lại điều gì ngoài đau khổ."
Ông Hong Kiet, một thợ cơ khí hồi tưởng: "Tôi may mắn thoát được sự tàn sát của Khmer Đỏ. Tôi được phân công làm việc ở một đơn vị sản xuất ngói tại một ngôi làng hẻo lánh ở Kampong Cham. Sống sót được tới ngày 7/1/1979, tôi nghe được tin thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng trên đài phát thanh. Từ đó chúng tôi được trở về nhà.
Mọi người chia nhau thực phẩm. Một mình với miếng thịt lợn xách trên vai, tôi đi bộ về Phnom Penh.
Trên đường về lại quê hương, tôi đã nhìn thấy hàng nghìn xác chết. Tiếng súng vẫn vang suốt ngày đêm nhưng tôi không còn sợ hãi. Tất nhiên, nếu bạn sống sót qua thời kì Khmer Đỏ thì không có điều gì có thể làm bạn sợ nữa.
Trên đường đi, tôi thấy người ta bán một số đồ vật như thực phẩm, quần áo. Đó là lúc tôi tin chắc chắn rằng chúng tôi không còn nằm dưới sự thống trị tàn nhẫn của Khmer Đỏ nữa.
Trở về nhà, tôi không còn gì cả. Người thân trong gia đình tôi đều đã mất. Tôi chỉ có một mình trên thế giới này, nhưng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những tin tức như vậy."
Sự xuất hiện của Quân tình nguyện Việt Nam
Cũng trong bài phỏng vấn của Khmer Times về sự kiện ngày cuối cùng của chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, bà Pal Thoun - một chuyên viên trang điểm xúc động kể lại giây phút nhìn thấy quân tình nguyện Việt Nam.
"Khmer Đỏ bắt chúng tôi phải sống ở Nak Leung sau khi chúng đuổi gia đình tôi ra khỏi Phnom Penh vào năm 1975. Khmer Đỏ rất hung dữ. Ba người anh của tôi đã bị sát hại vì họ thuộc giới trí thức. Một trong số các anh đã bị bắn ngay trước mắt tôi.
Chứng kiến sự tàn ác của Khmer Đỏ, tôi đã rất bàng hoàng khi vào ngày 7/1/1979, tôi thấy toàn bộ lực lượng này đã biến mất khỏi làng tôi. Và tôi càng sợ hãi hơn khi thấy quân giải phóng và những người lính tình nguyện Việt Nam cùng xe tăng tiến vào làng vào cùng hôm đó. Tuy nhiên, họ nói với chúng tôi rằng họ không làm hại người dân, họ tới đây để đưa chúng tôi trở lại thành phố, chúng tôi đã cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Từ đó chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình quay lại Phnom Penh, quân giải phóng bảo vệ chúng tôi trên đường đi và cho chúng tôi cơm ăn.
Khi đến Phnom Penh, tôi chợt bật khóc khi chứng kiến tất cả sự tàn phá do Khmer Đỏ gây ra. Tôi suy sụp khi nghe tin một số người bạn của mình đã bị chế độ tàn ác giết chết.
Tôi nhìn thấy tiền rơi vãi ở khắp nơi nhưng còn chẳng buồn nhặt. Dưới chế độ Khmer Đỏ, tất cả tiền bạc trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi, miếng đường thốt nốt thậm chí còn quý giá hơn nhiều. Tôi hạnh phúc vì còn sống và quay trở lại quê hương. Và tôi luôn coi ngày 7/1/1979 là ngày sinh nhật thứ hai của mình."
"Các anh chị em Campuchia có khỏe không?"
Nhà sử học Nop Sokha nhớ lại khoảnh khắc các chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam hỏi người dân Campuchia bằng thứ tiếng Khmer bập bẹ: "So với hầu hết những người Campuchia sống qua chế độ Khmer Đỏ, tôi may mắn hơn nhiều vì cuộc sống tương đối dễ dàng ở Phnom Penh. Mẹ và một số người thân của tôi làm công nhân cho một xưởng may của Khmer Đỏ ở thủ đô này. Tôi được cho vào trại trẻ em, phải sống tách mẹ nhưng tôi có đủ thức ăn và chỉ phải làm những công việc nhẹ nhàng.
Những ngày đầu tháng 1/1979, chúng tôi nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ lớn chưa từng có. Vào hôm 5/1, tôi nhận thấy sự hỗn loạn trong lực lượng Khmer Đỏ. Chúng chạy khắp nơi và tổ chức nhiều cuộc họp. Ngày hôm sau, khi tôi đang ngủ, mẹ đã tới đánh thức tôi và nói rằng Khmer Đỏ đang rời khỏi thành phố và tất cả người dân ở Phnom Penh phải đi cùng họ.
Trong vài tuần tiếp theo, chúng tôi phải đi cùng lực lượng này tới một trại ở Kampong Speu. Chúng tôi không có đủ lương thực và thường xuyên bị tấn công. Không chịu nổi khó khăn này, tôi và gia đình đã trốn khỏi trại. Đó là một quyết định đúng đắn bởi sau này chúng tôi biết rằng Khmer Đỏ đã sát hại tất cả những người đi cùng họ.
Lần đầu tiên gặp những người lính Việt Nam sau khi thoát khỏi Khmer Đỏ, chúng tôi rất sợ hãi. Khmer Đỏ nói với chúng tôi rằng quân tình nguyện Việt Nam sẽ làm hại chúng tôi. Nhưng khi những người lính đó tới gần chúng tôi và hỏi chúng tôi bằng thứ tiếng Khmer bập bẹ: 'Các anh chị em Campuchia có khỏe không?' - tất cả chúng tôi đều reo hò."
Sự sống nảy mầm
Trong cuộc phỏng vấn với tờ VnExpress, ông Lắc Son - một người Khmer gốc Campuchia quyết định ở lại Việt Nam sau khi Phnom Penh được giải phóng - nhớ lại thời điểm người dân Campuchia ở vùng Svay Rieng tháo chạy khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot năm 1977: "Hễ phát hiện người chạy trốn là quân Pol Pot giết tại chỗ".
Cuộc chạy trốn của ông và gia đình vô cùng gian nan, cho đến khi ông phát hiện ra một toán quân với màu cờ khác trên đường trốn chạy. Toán quân là bộ đội Việt Nam trên đường rút quân về.
"Gia đình tôi reo hò. Các anh ấy thấy người dân cũng vui vẻ, hối thúc đi nhanh về phía trước để họ bảo vệ đằng sau. Những cụ già, trẻ em đi không nổi được đưa lên xe tăng, xe đò, người lớn thì đi bộ theo một hàng dài, lúc này sự sống như mới nảy mầm," ông nói.
Sinh mệnh thứ hai của Campuchia
Phát ngôn viên CPP Sok Eysan nhấn mạnh, Chiến thắng 7/1 có ý nghĩa lịch sử trọng đại không thể nào quên, được toàn thể nhân dân Campuchia tôn vinh như ngày khởi đầu sinh mệnh lần thứ hai của mình.
Phát ngôn viên CPP cũng nhấn mạnh mọi người dân Campuchia đều thấu hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến thắng 7/1 và trong suy nghĩ của mình, mọi người dân Campuchia luôn thấu hiểu ơn nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ủng hộ, hỗ trợ.
Bộ phim tài liệu lịch sử Hành trình cứu nước (Marching towards national salvation) do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình QĐND Việt Nam sản xuất năm 2017 đã mô tả giây phút đoàn viên của gia đình ông Hun Sen - Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao Quốc vương Campuchia, người đã cùng các đồng đội thân thiết tìm đến Việt Nam vào năm 1977 để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Bỏ lại sau lưng quê hương và người vợ đang mang thai 5 tháng, những tháng ngày đó, đã có lúc Hun Sen nghĩ rằng vợ của mình (phu nhân Bun Rany) đã chết. Bà Bun Rany đã phải trải qua một giai đoạn khủng khiếp, phải trốn tránh trong các làng mạc, phải thay danh đổi tính để sống với thân phận một mình mà không có chồng và không biết chồng còn sống hay đã chết.
Ngày hòa bình, bà Bun Rany gồng gánh, đưa con về Phnom Penh với hy vọng tột cùng là được gặp lại chồng. Cuộc gặp đó diễn ra trong nước mắt. Lần đầu tiên, con trai Hun Sen được gặp cha. Thậm chí, giờ phút đầu tiên, cậu bé còn gọi ông là "chú". Không còn ước vọng nào hơn là một mái ấm gia đình.
"Trong cuộc đoàn tụ đầu tiên, ông ấy (Hun Sen) ôm chầm lấy đứa con và mong ước không có gì hơn là được sống như một người dân bình thường," phu nhân Bun Rany kể lại trong bộ phim Hành trình cứu nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen chính là chú bé trong giây phút đoàn viên năm 1979. Ông Manet nói trong bộ phim Hành trình cứu nước (thời điểm này ông là Đại tướng Quân đội Hoàng gia Campuchia):
"Sự phát triển của đất nước Campuchia từ năm 1979 đến nay, từ chỗ không có gì đến những thứ mà chúng tôi có ngày hôm nay, những nền tảng mà giới trẻ được hưởng ngày hôm nay là kết quả của sự nỗ lực hy sinh từ thế hệ trước. Tôi rất tự hào được là một phần của thế hệ trẻ. Chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để phát triển đất nước. Campuchia có rất nhiều người trẻ sinh sau năm 1979 được học hành, có tri thức và họ đóng vai trò quan trọng để xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng hơn."