Vụ tai nạn này sẽ khiến bạn hiểu rằng mọi cảnh báo về đèn laser đều không phải trò đùa

J.D |

Khi mua bất kỳ sản phẩm nào, bạn cũng sẽ thấy một vài dòng khuyến cáo trước khi sử dụng của nhà sản xuất. Các dòng này đôi khi tưởng như hết sức vô dụng, chỉ có điều chẳng lời cảnh báo nào là thừa cả. Vụ tai nạn mới đây tại Hy Lạp chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu rõ điều này.

Hồi còn bé, chúng ta thi thoảng vẫn nghịch ngợm mấy cây bút laser, hoặc thậm chí mua cả đèn laser đồ chơi luôn. Chúng nhỏ thôi, nhưng vẫn là laser xịn đấy.

Trên mọi sản phẩm đèn laser đều có khuyến cáo đừng có chiếu nó linh tinh, đặc biệt là vào mắt. Nhưng nhìn cái đèn bé tí như vậy, chẳng ai nghĩ nó sẽ gây nguy hiểm, vậy mới có chuyện chúng ta cầm nó đi chiếu khắp nơi.

Chỉ có điều, mọi khuyến cáo đều không thừa, và vụ tai nạn mới đây tại Hy Lạp là minh chứng cho điều đó.

Cụ thể, bệnh viện nhãn khoa ĐH Thessaly (Hy Lạp) đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 10 tuổi bị giảm thị lực vĩnh viễn. Lý do là vì nhãn cầu trái bị thủng một lỗ, và nguyên nhân đến từ một cái đèn laser đồ chơi. Lỗ thủng nằm trên điểm vàng - khu vực nhỏ phía sau mắt, có mật độ tế bào cảm thụ ánh sáng cao nhất.

Được biết, bệnh nhân được đưa đến viện sau một thời gian cảm thấy thị lực suy giảm. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ đã tìm ra cái lỗ đáng sợ trên. Cái lỗ ấy đã gây tổn thương gần như tất cả các lớp trong điểm vàng, đồng thời tác động cả đến các tế bào xung quanh.

Vụ tai nạn này sẽ khiến bạn hiểu rằng mọi cảnh báo về đèn laser đều không phải trò đùa - Ảnh 1.

Theo kết quả khám nghiệm, thị lực của mắt phải không bị tác động là 10/10, trong khi mắt trái chỉ còn 1/10. Và thật không may, đôi mắt bị tổn thương ấy không có dấu hiệu phục hồi, vì dường như tế bào mắt khu vực ấy đã chết cả rồi.

Hiện tại, chưa có phương pháp nào giúp phục hồi lại tế bào đã chết - đặc biệt là trong nhãn khoa. Một số trường hợp chấn thương điểm vàng trước kia có thể sử dụng thủ thuật hút bỏ dịch thủy (vitrectomy) để phục hồi, nhưng phương pháp này lại làm tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể, khiến bệnh nhân mất thị lực vĩnh viễn.

Theo bác sĩ Sòia Androudi, cậu bé này có vẻ như đã chịu đựng bất tiện từ mắt hàng tháng, thậm chí cả năm trời mà chẳng nói với ai. Cậu bé sau đó thừa nhận rằng đã tự tay chiếu tia laser vào mắt từ một chiếc đèn đồ chơi.

Vụ tai nạn này sẽ khiến bạn hiểu rằng mọi cảnh báo về đèn laser đều không phải trò đùa - Ảnh 2.

Tia laser phá hủy mắt như thế nào?

Tương tự như khi nhìn trực tiếp vào Mặt trời, tia laser là một tổ hợp năng lượng có mật độ lớn, có thể dễ dàng tiêu diệt tế bào mắt.

Theo tiến sĩ Ajay Kuriyan - chuyên gia Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, thì các tế bào mắt khi tiếp xúc với ánh sáng có cường độ cao có thể trương nở với tốc độ rất nhanh rồi vỡ tung ra. Quá trình này tạo thành đợt sóng gây sốc, phá hủy toàn bộ tế bào xung quanh.

Ngoài ra, nhiệt lượng từ đèn laser cũng khiến tế bào bốc cháy, giống như khi bạn hội tụ ánh nắng Mặt trời vào một tờ giấy vậy.

Từ sự việc này, Androudi cho rằng các bậc phụ huynh cần phải cẩn trọng hơn khi mua đồ chơi cho con. Đặc biệt, đừng bao giờ coi thường các khuyến cáo của nhà sản xuất, vì mọi chuyện đều có lý do của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại