Levi's sẽ sử dụng tia laser để sản xuất quần jean

Duy Trí |

Điều này giúp làm giảm số công đoạn sản xuất từ 18-24 bước thành chỉ còn ba bước.

Levi Strauss đang giới thiệu một kỹ thuật số hóa sử dụng công nghệ laser để tạo ra các mẫu thiết kế quần jean thay thế cho lao động thủ công. 

Được gọi là dự án FLX (viết tắt của Future-Led Execution), kỹ thuật này sẽ loại bỏ các hóa chất độc hại và giảm các công đoạn sản xuất quần jean trước đây sử dụng nhiều lao động, từ 18-24 bước xuống chỉ còn 3 bước. 

Levi's cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô chuỗi cung ứng vải bông của công ty.

"Bước đầu tiên của chúng tôi trong quá trình mới là chụp ảnh chiếc quần jean, và sau đó minh họa chiếc quần theo cách mà laser có thể hiểu và thể hiện", Bart Sights, phó chủ tịch về đổi mới kỹ thuật, người đứng đầu phòng thí nghiệm sáng tạo Eureka của Levi's, cho biết. 

"Với các phương pháp thủ công truyền thống sẽ cần tới 8,10,12 phút, trong khi chúng ta có thể thực hiện bằng laser trong chỉ khoảng 90 giây". Công nghệ laser sử dụng tia hồng ngoại để chà xát vào lớp trên cùng của bề mặt quần jean, tạo ra các đường phai và vết rách.

Levi's nói trong 30 năm qua, ngành công nghiệp quần áo nói chung đã sử dụng phương pháp thủ công và quy trình hóa học để tạo ra các thiết kế mòn và hình mờ trên bề mặt vải. 

Công ty đã cam kết sẽ đạt được phương châm "không thải các hóa chất độc hại vào năm 2020" và nói rằng sẽ làm giảm số lượng rất lớn hóa chất được sử dụng trong quá trình hoàn thiện vải qua công nghệ laser này.

Trong một phần khác của dự án, các nhà thiết kế của Levi's cũng đang sử dụng một công cụ hình ảnh mới để tạo ra nguyên mẫu quần jean thông qua máy tính bảng. 

Nền tảng này cho phép các nhà thiết kế để tinh chỉnh màu sắc, kiểm soát việc thiết kế các vết rách và vết phai. Dù đây không phải là điều mới mẻ, phòng thí nghiệm Eureka đã cố gắng ứng dụng để đồ họa 3D trở nên ngày càng thực dụng hơn.

Công ty tuyên bố rằng công cụ số mới này sẽ giúp giảm thời gian sản xuất xuống một nửa, từ vài tháng xuống còn vài tuần hoặc vài ngày. 

Những tập tin kỹ thuật số cũng có thể được gửi đến máy laser để tạo ra một nguyên mẫu hoặc thậm chí sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Levi's dự đoán rằng nền tảng kỹ thuật số này sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm 2020.

Đây không phải là lần đầu tiên laser được sử dụng trong việc thiết kế quần áo. 

Năm ngoái, Adidas cho phép khách hàng thiết kế áo len của mình bằng cách sử dụng máy quét và cảm biến ánh sáng tại một cửa hàng ở Berlin, trong khi nhiều nhà thiết kế khác đã sử dụng công nghệ laser để tạo ra sản phẩm dệt và các đồ trang trí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại