Vụ soán ngôi có 1 không 2 thời Lý: 3 bà hoàng cùng đưa hối lộ!

Đặng Tuấn |

Không chỉ mua quan bán chức, có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ngôi vua cũng được đem ra "mặc cả".

Vị vua ưa xiểm nịnh, mê tín

Vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) dù ngồi ở ngôi vị cao nhất nhưng hết sức tin vào những điều mê tín dị đoan. Lợi dụng điều này, bọn gian thần nghĩ ra đủ trò để phỉnh nịnh vua, khiến Lý Thần Tông ngày càng tin vào những điều kỳ dị, khác thường.

Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có kể lại sự mê tín của Vua Lý Thần Tông như sau:

"Lúc ấy Đỗ Khánh là Tả Vũ tiệp binh dâng Vua con cá Xương và con cá Công sắc vàng quý hiếm. Vua xem mừng rỡ cho đấy là điềm lành, xuống chiếu để bá quan văn võ chúc mừng.

Sau đó lại có Vương Cửu là Tả hưng vũ binh dâng cho Vua một con rùa, trên mai đầy những nét chằng chịt. Vua xem thấy giống nét chữ nên cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ luận bàn xem những nét đó có ý nghĩa gì.

Sau một hồi lâu la, chúng mới bẩm với Vua rằng những nét trên mai ấy có nghĩa là: "Sách trời bảo cho hạ giới biết rằng thánh nhân (ý chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm". Vua nghe thấy vậy lấy làm hài lòng lắm".

Con cá dẫu có quý hiếm đến mấy cũng chỉ là vật nhỏ nhưng vua vẫn vui mừng mở tiệc. Còn con rùa vốn tự nhiên đã đầy những nét vằn vện đen trắng, nhưng Lý Thần Tông cho đó là chữ rồi tin theo lời giải xiểm nịnh của bọn gian thần.

Mê muội trước những điều huyền hoặc, đến lúc sắp lâm chung Lý Thần Tông lại càng chẳng thể sáng suốt, sẵn sàng phế bỏ thái tử, để lập một đứa trẻ lên ba làm vua.

Vụ soán ngôi có 1 không 2 thời Lý: 3 bà hoàng cùng đưa hối lộ! - Ảnh 1.

Nén bạc đâm toạc tờ giấy

Lúc còn khỏe mạnh, vua Lý Thần Tông đã có ý lập Thiên Lộc, con thứ của người thiếp lên làm thái tử. Nhưng đến khi vua bệnh nặng chẳng thể qua khỏi, 3 bà hoàng là: Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn phế truất Thiên Lộc để đưa người con trưởng là Thiên Tộ khi ấy mới lên ba làm Thái tử.

Nghĩ là làm, ba bà đem của cải đến hối lộ cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông – người sẽ thảo di chiếu do vua Lý Thần Tông để lại.

Từ Văn Thông được vàng bạc dâng đến miệng, không nén nổi lòng tham vội vàng nhận lấy với lời hứa khi nào thảo di chiếu sẽ đợi ba bà hoàng đến tác động nhà vua, đến khi nào chịu thay đổi người nối ngôi mới hạ bút viết lời thánh chỉ.

Đến khi vua sắp mất, sai soạn di chiếu, Từ Văn Thông tuy vâng mệnh vua nhưng cứ cầm bút mãi chẳng viết. Vua càng lúc càng yếu mà trên chiếu chỉ vẫn còn trắng trơn. Lát sau, ba vị phu nhân hối hả chạy đến bên giường, quỳ khóc thảm thiết tiếc thương cho người sắp đi xa.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi lại lời than của ba bà rằng: "Chúng tôi nghe cổ giả lập con kế tự bao giờ cũng dùng con vợ cả, chứ không dùng con vợ thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi, chắc rồi mẹ hắn kiêu rông, bọn chúng tôi thoát sao khỏi nạn?".

Trong lúc bệnh nặng, lại nghe lời gièm pha của 3 bà hoàng, Lý Thần Tông đã ban chiếu: "Thiên Tộ dầu còn nhỏ, nhưng là con vợ đích, thiên hạ ai cũng biết cả rồi. Vậy cho Thiên Tộ nối ngôi trẫm".

Còn Thiên Lộc vốn trước trước kia đã lập làm Thái tử. Nhưng nay phế bỏ và ban cho làm Minh Đạo Vương.

Lời bàn:

Tự cổ chí kim, tùy từng triều đại, từng vị vua mà việc truyền ngôi thái tử sẽ dành cho con cả hoặc hoàng tử tài giỏi nhất. Nhưng tuyệt nhiên đều là quyết định của hoàng đế đời trước chứ không có tình trạng như thế này.

Việc đưa hối lộ trắng trợn đã góp phần không nhỏ vào cách soán ngôi theo kiểu có một không hai này trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Quả thật trong thời đại phong kiến, đâu đó vẫn có chuyện mua quan bán tước, nhưng việc dùng tiền vàng đưa hối lộ nhằm tác động đến ngôi vua kế vị thì đây là số một.

Nguồn tham khảo:

- Việt sử giai thoại – Tập 2 – 51 giai thoại thời Lý – NXB Giáo dục, ấn bản năm 2007; Trang 39; 40

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục – NXB Giáo dục, ấn bản năm 2007; phần Chính biên – quyển thứ IV, trang 368, 373

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại