Vụ nổ ở Beirut: WB ước tính thiệt hại của Liban lên tới hơn 8 tỷ USD

Đặng Ánh |

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại và tổn thất kinh tế do vụ nổ kinh hoàng tại Liban vào đầu tháng này lên tới 8,1 tỷ USD và quốc gia này sẽ cần tới hàng trăm triệu USD tiền viện trợ để có thể phục hồi.

Cụ thể, theo số liệu đánh giá nhanh về thiệt hại và nhu cầu sau vụ nổ tại Liban do WB thực hiện và công bố ngày 31/8, thiệt hại về vật chất của quốc gia Trung Đông này vào khoảng 3,8 tỷ USD - 4,6 tỷ USD, trong khi tổn thất về kinh tế ước tính từ 2,9 tỷ USD - 3,5 tỷ USD. Hiện Liban cần khoản viện trợ tài chính từ 605 triệu USD -760 triệu USD để nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ nổ.

WB đánh giá các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất là nhà ở, giao thông, di sản văn hóa bao gồm các địa điểm tôn giáo, khảo cổ, đài tưởng niệm quốc gia, nhà hát và các thư viện. Ngoài khoản viện trợ khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD, Liban cũng cần thêm từ 1,18 tỷ - 1,46 tỷ USD trong năm 2021. Ưu tiên chi tiêu của chính phủ sẽ tập trung vào lĩnh vực giao thông, văn hóa và nhà ở.

Ở cấp kinh tế vĩ mô, WB nhận định ảnh hưởng của vụ nổ có thể cảm nhận được qua những tổn thất kinh tế khi một phần thủ đô bị phá hủy, giao thương bị gián đoạn dẫn đến tăng chi phí giao dịch ngoại thương và giảm doanh thu. WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban sẽ giảm thêm 0,4% trong năm nay và thêm 0,6% trong năm 2021.

Trước khi xảy vụ nổ kinh hoàng, nền kinh tế Liban đã rơi vào khủng hoảng và tình hình càng trở nên trầm trọng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. WB từng dự báo tăng trưởng kinh tế Liban sẽ giảm 10,9% trong năm nay.

Ngoài việc khiến Liban chìm sâu vào suy thoái, vụ nổ còn làm tăng tỷ lệ nghèo đói tại quốc gia này. Theo WB, hiện có 45% dân số Liban đang chịu cảnh nghèo đói. WB kết luận trong bối tài chính khó khăn như vậy và không có dự trữ ngoại tệ, Liban sẽ phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế và đầu tư tư nhân để phục hồi.

Ngày 4/8 vừa qua, hai vụ nổ lớn tại cảng biển Beirut đã làm rung chuyển khắp thủ đô của Liban, làm khoảng 190 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương. Vụ nổ còn tác động tới các vùng lân cận thủ đô Beirut như Gemmayzeh và Mar-Mikhael, nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ.

Các cơ quan chức năng Liban đã mở cuộc điều tra về thảm họa này, theo đó nguyên nhân ban đầu được cho là do sự bất cẩn của giới chức quản lý nhà kho và tình trạng tham nhũng. Trong số các đối tượng bị bắt giữ cho đến nay có cả giám đốc điều hành cảng, người đứng đầu cơ quan an toàn và an ninh cùng nhiều hải quan và kỹ sư phụ trách công tác bảo quản tại nhà kho 12 - hiện trường vụ nổ.

Mới đây nhất, cơ quan điều tra Liban đã ra lệnh bắt giữ thêm người đứng đầu cơ quan hành chính tại cảng Beirut Mohammad Al Mawla và Tổng Giám đốc Cơ quan Giao thông trên bộ và hàng hải Abdel Hafiz El Kaissi.

Trước tình hình này, Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri đã kêu gọi cải cách hệ thống chính trị nước này, cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng hiện nay.

Sau vụ nổ tại Beirut, nhiều nước đã siết chặt các quy định về lưu kho các vật liệu nguy hiểm, dễ gây cháy nổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại