Vụ nhúng sầu riêng vào phân bón lá: GS công bố thông tin bất ngờ

Hoàng Đan |

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, chất Ethephon mặc dù không thể làm phân bón nhưng lại được ghi là phân bón lá. Vì sao lại như vậy?

"Phân bón lá Ethephon" không độc

Thời gian qua, việc một số cơ sở kinh doanh đưa sầu riêng nhúng vào phân bón lá HPC-97HXN... cho mau chín bị phát hiện đang khiến người tiêu dùng hoang mang. Đây là loại hóa chất chứa Ethephon nên còn được gọi là "phân bón lá Ethephon".

Trước câu hỏi "phân bón lá Ethephon" có độc hay không, trao đổi với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã cung cấp thông tin khá bất ngờ: Ethephon không phải là phân bón lá mà là chất gây chín được quốc tế cho phép, sử dụng tốt.

"Chất Ethephon gây ra khí Etylen là một khí mà tự bản thân cây cũng phải sinh ra trong quá trình làm chín quả, cho nên nó cũng tương tự một chất trong cây chứ không phải một chất hóa học bên ngoài.

Tuy nhiên, ở đây, nó được tổng hợp đưa từ bên ngoài vào để thuận lợi cho cách dùng và thế giới đã dùng rất phổ biến. Ngay trên các dây chuyền xuất chuối thì quả đều xanh, sau đó, người ta bôi một chút Ethephon vào cuống quả rồi cho vào túi chở đi thì trên đường đi nó mới chín.

Nhưng cái gì cũng có ngưỡng của nó, nếu sử dụng quá ngưỡng thì đều không tốt", GS Thạch nói.

Vậy tại sao Ethephon không phải là phân bón lá nhưng lại được ghi là phân bón lá?

Vụ nhúng sầu riêng vào phân bón lá: GS công bố thông tin bất ngờ - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: TTXVN

GS Thạch lý giải, chất Ethephon mặc dù không thể làm phân bón được nhưng sở dĩ ghi là phân bón lá vì khi thông qua Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tất cả những hợp chất như vậy thì được thông qua Hội đồng phân bón.

"Hội đồng xét duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tất cả những chất điều tiết sinh trưởng, chất dạng chế phẩm theo kiểu Ethephon vào Hội đồng phân bón xét duyệt. Do đó, nó mới đề chữ phân bón, còn thực tế nó không phải.

Tuyệt đối không được đưa vào bón lá và bón vào nó sẽ chết ngay lập tức", ông Thạch bày tỏ.

Vị Phó Chủ tịch các ngành sinh học Việt Nam cũng thông tin thêm, thực tế, thời gian qua cũng có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về chất này, tuy nhiên, chính ông và một số nhà khoa học, đơn vị đã tổ chức Hội thảo làm rõ, "giải oan" cho chất này.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc, đây là chất kích thích, gây chín nhưng lại ghi là phân bón lá khiến người dân hiểu nhầm, vậy tại sao, các nhà khoa học không kiến nghị đổi lại tên đăng ký cho đúng, GS Thạch thừa nhận, vấn đề này trong Hội thảo do ông và cộng sự tổ chức cũng chưa có ai đặt ra.

"Hội thảo hôm đó cũng không ai đặt vấn đề đó mà chỉ đặt vấn đề có được sử dụng hay không thôi. Hôm đó, chúng tôi có khuyến cáo, đưa ra một số cách sử dụng, sử dụng như thế nào, nồng độ ra sao để mọi người yên tâm", vị này cho biết thêm.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng nêu rõ, Ethephon nếu sử dụng đúng liều lượng, nồng độ thì không gây độc mà đây là chất có tác dụng kích thích, gây chín quả mà thế giới đã sử dụng từ lâu.

Viện Sinh học nhiệt đới không còn đứng tên sản xuất

Trong một diễn biến khác, liên quan đến sản phẩm phân bón lá mang nhãn hiệu HPC-97HXN được phát hiện dùng để ngâm sầu riêng cho mau chín, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên một số trang mạng, phần nơi sản xuất ghi của Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam).

Vụ nhúng sầu riêng vào phân bón lá: GS công bố thông tin bất ngờ - Ảnh 2.

Sản phẩm phân bón lá HPC-97 HXN

Để làm rõ hơn thông tin này, chúng tôi đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới.

Bà cho biết, đúng là trước đây, sản phẩm phân bón lá mang nhãn hiệu HPC-97HXN ra hoa xanh và HPC-97HXN đăng ký tên của Viện.

"Tuy nhiên, sau đó, các cán bộ của Viện nghiên cứu sản phẩm này về hưu và Viện đã có công văn thông báo đến các cơ quan chức năng, trên website của chúng tôi về việc sản phẩm này không được đứng tên của Viện nữa.

Nhưng không biết tại sao nó lại vẫn lưu hành dưới tên của Viện Sinh học nhiệt đới. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc này và thông tin rõ ràng", TS Thảo nói.

Theo TS Thảo, trước đây, khi còn đứng tên Viện thì sản phẩm này được sử dụng rất tốt.

"Tôi cũng đã đọc qua báo chí phản ánh về việc ngâm trái cây thì cũng không biết là người ta chỉ sử dụng sản phẩm này hay còn có các chất khác, cái đó, cần phải làm rõ.

Còn thực ra, khi còn đăng ký ở tên Viện thì sản phẩm này rất có tiếng, không có bất cứ trường hợp nào phản ánh như báo chí đưa tin. Sau này, khi mọi người về hưu, ra làm riêng thì công thức có bị phối trộn không thì cũng không rõ.

Hiện chúng tôi cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào để có thể đưa ra kết luận được", bà Thảo cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại