Ngày 1-8, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), Chủ tịch hội đồng các nhà khoa học đánh giá lại các tác động liên quan đến dự án của Điện lực Vĩnh Tân 1, nhận chìm 1 triệu m3 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.
PGS-TS Trịnh Văn Tuyên cho biết hiện đã có kết quả sơ bộ về việc khảo sát, đánh giá phương án, giải pháp bảo vệ môi trường hoạt động nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Tuy nhiên, ông Tuyên từ chối tiết lộ thông tin về kết quả cuộc khảo sát.
“Chúng tôi phải trình lãnh đạo, theo quy định của hội đồng nội dung này chưa thể tiết lộ được cho báo chí”, ông Tuyên cho hay.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi ông Huỳnh Thái Dương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, nhìn nhận trong vụ nạo vét và nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét xuống biển, các nhà khoa học và báo chí đã phản biện rất tốt.
Ông Dương khẳng định việc nạo vét và nhận chìm theo phân tích của các nhà khoa học là có thể gây ô nhiễm môi trường biển và sinh kế của người dân nên cần phản biện để các cơ quan có trách nhiệm cẩn trọng và đưa ra quyết sách đúng đắn, giải pháp tốt nhất.
Cũng theo ông Dương, trong vụ việc này không ai ngăn cản báo chí phản biện, phản ảnh và cho biết tới đây sẽ tổ chức một đoàn nhà báo ra Vĩnh Tân để thu thập thêm thông tin.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7732 gửi Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN (HLKH), các bộ, ngành cùng UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Văn bản này cho biết ngày 24-7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc nhận chìm vật chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng của Công ty TNHH Vĩnh Tân 1 tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận).
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Viện HLKH, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT.
Sau khi lắng nghe các ý kiến trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Viện HLKH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành (trường hợp cần thiết có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia), khẩn trương xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất nạo vét.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Ảnh: QUANG HUY
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý phải rà soát lại các nội dung liên quan của báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án nhận chìm ở biển đã được Bộ TN&MT phê duyệt, chấp thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Theo Chinhphu.vn, khu vực biển được cấp phép đổ bùn nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh.
Đồng thời nơi đây còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.
Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi việc cho đổ lượng bùn sau nạo vét xuống vùng biển này có đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển ở khu vực này hay không?