Vụ người mẫu ảnh nude tố bị hiếp dâm: Hai bên chỉ đang tự phát ngôn một cách chủ quan

THIÊN BÌNH |

Liên quan đến vụ người mẫu ảnh nude tố họa sĩ hiếp dâm, LS Nguyễn Thế Truyền cho rằng cả hai bên chỉ đang tố qua tố lại chứ chưa đưa ra được bằng chứng nào để làm căn cứ pháp lý nếu vụ việc được đưa ra pháp luật.

Trong diễn biến mới nhất của vụ người mẫu ảnh nude Kim Phượng tố bị họa sĩ body painting Ngô Lực hiếp dâm, họa sĩ đã này chính thức lên tiếng phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc và khẳng định sẽ làm đơn kiện lại người mẫu Kim Phượng.

Theo LS Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư TP Hà Nội, họa sĩ hoàn toàn có quyền làm đơn phản bác lại và cũng có thể khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường về danh dự, nhân phẩm.

Điều này đã được quy định tại khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Việc bồi thường như thế nào sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau để đưa đến quyết định.

Theo dõi diễn biến của vụ việc trên, qua lời của 2 bên cung cấp cho báo chí, LS Truyền nhận định, cả hai bên chỉ đang tố nhau và đưa ra những căn cứ, thông tin dựa trên yếu tố hoàn toàn chủ quan, chưa thấy bất kỳ chứng cứ nào mang tính chất khách quan mà có thể phản ánh đầy đủ vụ việc.

“Tôi thấy rằng các bên đang tự phát ngôn và tự đưa ra các lý do, các yêu cầu của mình mà chưa thấy có chứng cứ một cách xác thực nhất”.

Còn theo luật sư Lại Xuân Cường, đoàn LS TP Hà Nội, xét về khía cạnh pháp luật, việc chứng minh nạn nhân bị hiếp dâm không hề đơn giản.

Nếu không có ghi âm, ghi hình, người làm chứng thì phải có chứng cứ chứng minh việc không đồng thuận của nạn nhân trong việc giao cấu trái ý muốn, ví dụ: Dấu vết trầy xước trên thân thể do chống cự, mẫu da trong móng tay hay xác minh của những người ở gần nghe được kêu la chống trả…

Bởi dù kết luận giám định thể hiện có tinh trùng trong âm đạo nạn nhân nhưng điều này chỉ chứng minh có xảy ra hành vi giao cấu nhưng không thể hiện được đó là giao cấu có sự đồng thuận hay ngoài ý muốn.

Luật sư Truyền cho rằng, việc quan trọng đối với cả 2 bên lúc này là luật quy định các bên phải tự chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là đúng pháp luật và có căn cứ.

Nếu trong trường hợp chứng cứ không thể tự thu thập được thì hoàn toàn có thể làm đơn đề nghị tòa án hoặc cơ quan chức năng xác minh hoặc thu thập giúp.

Việc các bên chỉ lên tiếng tố qua tố lại nhau mà không có bằng chứng xác thực được cơ quan chức năng ghi nhận sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cả hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại