Vụ Liên Kết Việt lừa đảo: Bóc trần chuyện nhầm tên BQP thành Bộ Quốc phòng của "ông trùm" lừa đảo

Hoàng Đan |

Tại phiên toà, khi được hỏi về nội dung ghi sai tên Công ty BQP thành Bộ Quốc phòng, "ông trùm" lừa đảo Liên Kết Việt Lê Xuân Giang cho rằng, bản thân có lỗi vì không kiểm soát kỹ.

Bị cáo Lê Xuân Giang tại toà.

Bị cáo Lê Xuân Giang tại toà.

Lê Xuân Giang nói bản thân có lỗi vì không kiểm soát kỹ

Sáng 23/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao truy tố Lê Xuân Giang cùng đồng phạm thể hiện, Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP), Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động.

Trong đó, Công ty BQP thành lập ngày 27/4/2005, Giang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Công ty có trụ sở chính tại số 10, ngõ 80, Trần Duy Hưng (Trung Hòa, Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Có 1 xưởng sản xuất tại số 69 đường Hồ Mễ Trì (Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội); 1 nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng tại khu Công nghiệp Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên).

Công ty BQP trực tiếp sản xuất các sản phẩm máy khử độc Ozone Advance great – 13, Bổ Não Vương – BQP, Dưỡng cốt vương – BQP, Sâm nhung đông trùng hạ thảo – BQP để xuất cho Công ty Liên Kết Việt bán cho nhà phân phối.

Riêng thực phẩm chức năng Ngũ Linh đông trùng hạ thảo, Công ty BQP mua của Công ty Biovaccine Việt Nam.

Lợi dụng việc nhầm lẫn (ghi sai tên so với đăng ký kinh doanh) trong Giấy chứng nhận ngày 10/1/2014 của Trung ương hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tặng Công ty BQP, ghi:

"Chứng nhận Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng đạt danh hiệu thương hiệu sản phẩm Việt Nam phát triển bền vững và ông Lê Xuân Giang đã được diện kiến, chúc tết Chủ tịch nước CHXHCNVN nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014", Lê Xuân Giang chỉ đạo đưa hình ảnh này lên trên website công ty.

Thậm chí, Giang chỉ đạo in khổ lớn treo tại trụ sở văn phòng công ty và trên toàn bộ hệ thống Công ty Liên Kết Việt.

Giấy chứng nhận này cũng được in trên slide, catalog sử dụng để tuyên truyền, quảng bá về Công ty BQP là "Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng", Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Tại phiên toà xét xử, khi được hỏi về nội dung trên, Lê Xuân Giang cho rằng, bản thân có lỗi vì không kiểm soát kỹ.

Vụ Liên Kết Việt lừa đảo: Bóc trần chuyện nhầm tên BQP thành Bộ Quốc phòng của ông trùm lừa đảo - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Xuân Giang và các bị cáo tại toà.

Trước câu hỏi từ Hội đồng xét xử, Giang lập luận, do sơ suất chưa kịp xem, anh em đã cho hết lên website, sau khi nhận biết được có hạ xuống. Bị cáo Giang cho hay, khi đăng ký thành lập công ty, Giang chỉ viết là BQP. 

Khi HĐXX hỏi, thời điểm đề nghị được tặng khen, trong đề nghị khen ghi thế nào, Giang khai lúc đó có cô nhân viên mới tuyển, làm hồ sơ gửi đi viết rõ chữ Bộ Quốc phòng và viết luôn như thế trong tên công ty nên Giang đã ký luôn.

"Đấy không phải lỗi tại trên ghi nhầm, mà cố tình đưa lên như vậy", thành viên HĐXX chất vấn.

Sau đó, Giang khai người nhân viên làm hồ sơ này là Nguyễn Thị Minh Phương. Nữ nhân viên này, sau đó đã bị kỷ luật cho nghỉ việc.

"Ông trùm" lừa đảo Liên Kết Việt nói gì về câu hỏi bán hàng đa cấp?

Với các chương trình khuyến mại khủng mà Công ty Liên Kết Việt tổ chức, có chương trình nộp 7 triệu đồng mà được trả đến hơn 400 triệu, bị cáo Lê Xuân Giang khai, theo tỉ lệ bình thường, giá nhà sản xuất chỉ có 30%, giá của người tiêu dùng là 100%, chính vì vậy nên 70% này, trong kinh doanh truyền thống Giang quyết định trích 70% này, trả 65% cho khách hàng, qua các cấp hoa hồng.

Mục đích của Giang khi đưa ra các chương trình khuyến mại là nghĩ công ty lợi nhuận ít, khách hàng có lợi, vì công ty vẫn lãi 5% theo báo cáo của bộ phận chuyên môn.

"Vào những chương trình khuyến mại không hạn chế số lượng, chỉ hạn chế thời gian, đóng 7 triệu hưởng 409 triệu, người ta nộp tiền vào thì có tính chi trả bằng nguồn gì không?", thành viên HĐXX chất vấn.

"Đó là toán học, nhiều người ở dưới trả cho người ở trên thì công ty không bị lỗ", Giang đáp.

"Sao lại người dưới trả cho người trên", thành viên HĐXX gay gắt.

"Xin lỗi quý tòa, khách hàng mua thì công ty trích 65% ra", bị cáo Giang khai.

"Có hàng hóa để bán đâu, hợp đồng đưa về các tỉnh cũng là hợp đồng ký sẵn, có hàng đưa theo đâu?... Thiếu hàng thì dừng hợp đồng? Bị cáo không thể nói như bị cáo trả lời Chủ tọa được đâu?", thành viên HĐXX xét hỏi Giang. Bị cáo này sau đó, chỉ trả lời "dạ".

Tiếp đó, HĐXX hỏi "ông trùm đa cấp" của Công ty Liên Kết Việt hiểu thế nào là bán hàng đa cấp, Giang trình bày, hiểu là đến công ty mua hàng, mang hàng về dùng, thấy hàng tốt giới thiệu những người thân quen, bạn bè, ai có nhu cầu.

HĐXX sau đó yêu cầu bị cáo Giang dừng lại và hỏi lại, tức là phải có hàng để bán, và bị cáo thừa nhận lúc đầu đúng, sau này khi khách hàng đông không có hàng nữa, tại sao hàng nghìn người đến công ty đòi tiền?.

Trước câu hỏi này, Lê Xuân Giang trả lời và cho rằng chính vì sự cạnh tranh không lành mạnh của một số công ty đối thủ mà Giang không có căn cứ cụ thể, bằng chứng, việc đó khiến nhà phân phối bị lung lay.

Trả lời về việc tham gia đầu tư đa cấp cũng như chính sách trả thưởng của Công ty Liên Kết Việt , hầu hết, các bị hại đều rất mơ hồ, không hiểu bản chất.

"Bà hiểu như thế nào về số tiền hoa hồng mà mình được hưởng?", chủ tọa hỏi một bị hại 68 tuổi đến từ Quảng Ninh. Cụ bà ấp úng vài giây rồi nói "không biết, không rõ". Bà chỉ nhớ có một người ngày nào cũng gọi điện thoại chào mua, nghe thấy vừa được thuốc lại vừa được tiền, ham quá nên tin theo.

Nhiều bị hại khác cho biết họ được tham dự các hội nghị do công ty tổ chức, được xem nhiều video, hình ảnh, nghe thuyết trình… nên tin rằng công ty là của Bộ Quốc phòng. Vì niềm tin ấy, họ "nướng" hết số tiền tích cóp của mấy chục năm, thậm chí đi vay mượn để ôm mộng làm giàu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại