Trong đêm 17 và rạng sáng 18-7, hàng trăm công nhân ngành đường sắt đã căng mình tại hiện trường vụ tàu hàng SH4 bị lật để giải tỏa đầu máy , các toa tàu bị lật và xử lý hệ thống đường ray bị hỏng sau khi tàu hàng này gặp sự cố tại ga Sa Lung, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).
Xuyên đêm giải phóng đầu máy tàu SH4 khỏi hiện trường vụ tai nạn
Trước đó, trong chiều 17-7, ngành đường sắt đã điều cần trục cứu hộ Orton từ ga Đồng Hới (Quảng Bình) vào để cẩu đầu máy và các toa tàu. Tuy nhiên, đầu máy D20E-003 của tàu hàng SH4 nặng 81 tấn, vượt quá khả năng của cần cầu này. Sau đó, một cần cẩu 100 tấn từ công trình điện gió ở Quảng Bình được điều vào hỗ trợ trong đêm.
Ông Phùng Quốc Khánh, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế, cho biết do các toa tàu chắn ngang đường ray, bị xô lệch dính vào nhau nên không thể cẩu ra nhanh chóng. Ngành đường sắt buộc phải cắt đôi toa hàng chắn ngang đường ray số 3 rồi dịch chuyển khỏi hiện trường nhằm thông tuyến đường sắt. Đến 20 giờ 20 phút ngày 17-7, tuyến đường sắt Bắc - Nam mới cơ bản thông tuyến.
Toàn cảnh vụ lật tàu hàng SH4 tại ga Sa Lung (Quảng Trị)
Đến 6 giờ ngày 18-7, đầu máy D20E-003 nặng 81 tấn được cẩu khỏi các đường ray, đưa đến chỗ trống chờ xử lý. Các toa tàu còn lại cũng được di dời khỏi các đường ray để khôi phục hoàn toàn hoạt động của ga Sa Lung.
Tàu hàng SH4 lật khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt trong nhiều giờ
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, khoảng 10 ngày 17-7, tàu hàng SH4 lưu thông hướng Nam - Bắc, khi đến ga Sa Lung thì bất ngờ bị lật. Đặc biệt, toa tàu thứ 2 sau khi bị lật đã làm hư hỏng đường ray số 1 và 2, lấn vào đường ray số 3 khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt trong nhiều giờ.
Tại hiện trường, có hơn 30m đường ray, tà vẹt bị cày xới, cong. Nhiều bánh tàu rời khỏi toa, xếp chồng lên nhau. Rất may, không có người thương vong trong vụ tai nạn này.