Vụ Las Vegas: Hung thủ học theo kẻ mở màn lịch sử xả súng kinh hoàng ở Mỹ 50 năm trước?

Ngọc Anh |

Mở đầu cho lịch sử xả súng ở Mỹ là một vụ việc xảy ra ở Texas năm 1966. Nhưng một cách kỳ lạ, vụ việc năm 1966 rất giống với vụ xả súng ở Las Vegas hôm 1/10.

Vụ xả súng từ trên cao vào đám đông người xem tại đại nhạc hội ở Las Vegas ngày 1/10 đã trở thành thảm họa xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ, với con số thương vong cập nhật sau 24h đã lên tới gần 600 người (59 người chết và 527 người bị thương).

Thủ phạm được cho là duy nhất, Stephen Paddock - 64 tuổi, đã nổ súng từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay trên đại lộ Las Vegas xuống đám đông hơn 22.000 người ở phía bên kia con đường.

Toàn cảnh cuộc tấn công nhằm vào đại nhạc hội ở Las Vegas.

Các tình tiết của vụ việc năm 2017 gợi nhớ tới một cuộc tấn công kỳ quái tương tự xảy ra ở Texas cách đây hơn 50 năm – đó là vụ xả súng đầu tiên, được coi là thảm họa mở màn cho lịch sử bạo lực và giết người hàng loạt bằng súng ống ở Mỹ.

Vào ngày thứ Hai, 1/8/1966, một sinh viên ngành kiến trúc 25 tuổi – đồng thời là một cựu hướng đạo sinh trong quân đội, Charles Whitman, đã giết chết 17 người và làm bị thương hơn 30 người khác trong một vụ xả súng tại khuôn viên trường Đại học Texas ở Austin.

Trước đó, Whitman đã sát hại vợ và mẹ của mình rồi mang theo 3 khẩu súng trường, 2 khẩu súng ngắn cùng một khẩu súng ngắn loại đặc biệt đã cưa nòng và trèo lên đài quan sát của tháp đồng hồ cao 27 tầng ở giữa khuôn viên trường. Từ vị trí này, hắn bắt đầu xả súng xuống những người đi bộ dưới sân trường, ngay giữa trưa, đúng giờ tan học.

Cuộc xả súng của Whitman chỉ chấm dứt khi hai cảnh sát Austin lên được trên đỉnh tháp đồng hồ và bắn hạ hắn.

Cảnh sát Mỹ đã không bao giờ tìm ra động cơ cho hành động của Whitman, dù có giả thuyết cho rằng hắn làm như vậy là do có vấn đề về tâm thần.

Một ngày sau khi vụ xả súng diễn ra, những người thân của Whitman vẫn bàng hoàng và đưa ra các nhận xét trước đó về thủ phạm, rằng đó là "một đứa con tốt, một hướng đạo sinh chỉn chu, một người lính xuất sắc, một sinh viên giỏi, chăm chỉ, một người chồng yêu thương vợ con, đẹp trai, người bạn tuyệt vời, một chuyên gia bắn tỉa..."

Ở thời điểm 1966, lực lượng cảnh sát Austin chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị để đương đầu với một vụ tấn công vào đám đông như kiểu của Whitman. Nhưng từ đó trở đi, các cơ quan cảnh sát đã triển khai đội đặc nhiệm SWAT trong các vụ xả súng để đối phó với những tay súng ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, như trong các vụ xả súng ở Orlando, Sandy Hook, San Bernardino, hay Charleston sau này.

Vụ xả súng chưa từng có tiền lệ năm 1966 đã mở đầu cho một khái niệm mới ở Mỹ, đó là giết người hàng loạt tại các địa điểm công cộng.

Vụ xả súng ở Đại học Texas thậm chí đã được hãng tin AP bình chọn là "sự kiện của năm 1966".

Vụ tấn công của Whitman năm 1966 và của Paddock năm 2017 giống nhau một cách kỳ lạ. Tất cả các nạn nhân đều không thể tự vệ khi những luồng đạn được bắn từ trên cao xuống, lực lượng cảnh sát thì phải mất thời gian để xác định vị trí và tiếp cận hung thủ.

Chỉ có một điều khác, đó là Whitman đã tấn công các nạn nhân trong suốt 96 phút kinh hoàng, khiến hàng trăm sinh viên, giáo sư, khách du lịch chìm trong sợ hãi. Còn cuộc xả súng của Paddock tuy chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, nhưng hậu quả thì thảm khốc hơn nhiều lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại