Vụ kiện đầu tiên về nhận diện gương mặt tại Trung Quốc đã dấy lên những tranh cãi về “sự tiện lợi của công nghệ”

Thiên Long |

Công nghệ nhận diện gương mặt đem tới những lợi ích không thể bàn cãi nhưng nếu không biết cách kiểm soát, nó sẽ dần biến tướng và bị lạm dụng như tại Trung Quốc hiện nay.

Giữa lúc giáo sư luật Guo Bing kiện một công viên hoang dã tại Hàng Châu về tội lạm dụng nhận dạng khuôn mặt trong còn chưa nguội, cộng đồng mạng Trung Quốc đang có một phen tranh cãi quyết liệt về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Vụ kiện đầu tiên về nhận diện gương mặt tại Trung Quốc đã dấy lên những tranh cãi về “sự tiện lợi của công nghệ” - Ảnh 1.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang dần phổ biến tại Trung Quốc, từ sân bay đến khách sạn, các trang thương mại điện tử và thậm chí cả ở nhà vệ sinh công cộng. Nhưng nó đang ngày càng trở nên quá đà khi một công viên hoang dã tại Trung Quốc cũng yêu cầu phải quét mặt.

Giáo sư luật Guo Bing tại Đại học Khoa học công nghệ Chiết Giang là người đã đưa ban quản lý công viên hoang dã Hàng Châu ra tòa và làm dấy nên tranh cãi về quyền riêng tư và lạm dụng dữ liệu cá nhân trong một xã hội số hóa.

Guo khẳng định, việc thu thập dữ liệu như quét khuôn mặt nếu như không đảm bảo an toàn có thể làm rò rỉ, tạo cơ hội cho kẻ xấu lạm dụng bất hợp pháp, gây nguy hiểm cho mọi người và tài sản cá nhân của họ.

Chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây đã không ngừng chi tiền cho các công ty phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, phục vụ hoạt động thương mại và bảo mật. Nỗ lực trên nhằm đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ mới.

Vụ kiện đầu tiên về nhận diện gương mặt tại Trung Quốc đã dấy lên những tranh cãi về “sự tiện lợi của công nghệ” - Ảnh 2.

Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, người dân Trung Quốc đã sẵn sàng từ bỏ quyền riêng tư của chính mình để đổi lấy sự tiện lợi của công nghệ. Nhưng điều đó thực sự rất nguy hiểm khi dữ liệu sinh trắc học của người dân như dấu vân tay và khuôn mặt do một bên kiểm soát.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, vụ kiện của Guo đối với công viên hoang dã Hàng Châu hồi tháng 10/2019 đã phơi bày nỗi lo sợ công nghệ đang vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp.

Các bài đăng trực tuyến liên quan đến vụ án trên nền tảng Weibo đã thu hút được hơn 100 triệu lượt xem và nhiều người dùng đã kêu gọi cấm thu thập dữ liệu cá nhân. Nguyên nhân bởi tình trạng lạm dụng dữ liệu cá nhân tràn lan tại Trung Quốc đang tiềm tàng những nguy cơ như gian lận tài chính, rò rỉ thông tin và nhiều hoạt động lừa đảo khác.

Trong một bài viết gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc, Lao Dongyan, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa gọi việc lạm dụng dữ liệu nhận dạng khuôn mặt là một "thỏa thuận với quỷ". Ông cho biết, cái giá mà mỗi người phải chịu không chỉ là quyền riêng tư mà còn là sự an toàn của bản thân.

Vào 30/12 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị quy định một loạt các điều lệ liên quan đến việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân thông qua ứng dụng di động bất hợp pháp. Mặc dù vậy Trung Quốc vẫn thiếu một bộ luật cụ thể để điều chỉnh dữ liệu cá nhân sao cho phù hợp.

Trung Quốc chưa có luật rõ ràng đã vội triển khai công nghệ nhận diện gương mặt

Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một nhà nước thông minh với khả năng giám sát nhất cử nhất động của mọi người dân thông qua hệ thống camera an ninh dày đặc. Theo các nhà chức trách, hệ thống camera an ninh này giúp họ có thể chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn. Nhưng nếu chính phủ buộc phải ra một điều luật mới để kiểm soát dữ liệu thu thập được, nó có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu.

Liu Deliang, giáo sư luật tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, chính phủ có thể đưa ra những giải pháp tạm thời như đề xuất tuyển dụng nhân viên chuyên bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trong mỗi công ty.

Trong khi đó, Lokman Tsui, giáo sư truyền thông tại Đại học Hồng Kông lại tin rằng, chính phủ có thể lựa chọn các giải pháp cứng rắn hơn nhắm vào tình trạng lạm dụng dữ liệu. Theo đó, các nhà chức trách sẽ xử phạt thật nặng nếu phát hiện ai đó thu thập và bán dữ liệu sinh trắc học của người khác một cách trái phép. Điều này vừa đảm bảo tính nghiêm minh và vẫn giúp chính phủ tiếp tục triển khai chương trình giám sát công dân.

Vụ kiện đầu tiên về nhận diện gương mặt tại Trung Quốc đã dấy lên những tranh cãi về “sự tiện lợi của công nghệ” - Ảnh 3.

Mặc dù Trung Quốc đang cho thấy những tiến bộ lớn trong công nghệ nhưng các chuyên gia cho rằng, quốc gia tỷ dân vẫn đang tụt hậu so với Mỹ xét về tiến bộ trong việc nhân rộng các công nghệ thương mại.

Trung Quốc đang có số người sử dụng Internet trên di động lớn nhất thế giới với hơn 850 triệu người. Nhận diện khuôn mặt hiện được sử dụng để thanh toán hóa đơn, quản lý học sinh, xử phạt người vi phạm giao thông hay để bắt tội phạm nhanh hơn. Thậm chí ở nhiều địa điểm vứt rác còn có cả máy nhận diện khuôn mặt để đánh giá mức độ chấp hành quy định.

Tuy nhiên khi một công nghệ được áp dụng quá rộng rãi và tràn lan dễ dẫn tới những biến tướng. Hồi tháng 11/2018, Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc đưa ra một báo cáo tiết lộ rằng, có hơn 90% ứng dụng di động bi nghi ngờ thu thập quá mức thông tin cá nhân và 10% dữ liệu sinh trắc học của người dân.

Mối lo ngại đó càng có cơ sở khi truyền thông đã nhiều lần đưa tin về việc hàng ngàn dữ liệu khuôn mặt của người dùng đang được rao bán trên một bán hàng trực tuyến với giá 1,4 USD/khuôn mặt. Đặc biệt mối lo ngại ngày càng tăng khi chính phủ Trung Quốc mới đây yêu cầu người dân phải quét khuôn mặt để đăng ký dịch vụ di động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại