Theo số liệu thống kê của tổ chức này, nguồn cung vũ khí của IS ít nhất đến từ 21 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia nhỏ bé trên thế giới như Sudan, nhưng chủ yếu là của các cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn, mà đứng đầu là Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc là quốc gia thứ 2 (sau Nga và trên Mỹ) trong danh sách các quốc gia chế tạo các vũ khí mà các tay súng của IS đang sử dụng, bởi sau khi tiến hành thu hồi khoảng 1700 vỏ đạn (súng cá nhân, súng chống tăng...) của IS sau các cuộc chiến, có 445 chiếc do Trung Quốc sản xuất, chỉ kém Nga một chút.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước có nhiều vũ khí, đạn dược mới nhất mà IS đang sử dụng. Khoảng 10% số đạn dược trong báo cáo được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014, trong thời gian này thì số đạn dược mới do Trung Quốc sản xuất chiếm đến hơn một nửa.
"Cơ quan khảo sát vũ khí xung đột" cho biết thêm, loại vũ khí mới nhất của Trung Quốc xuất hiện trong lực lượng khủng bố IS và "phe đối lập ôn hòa" tại Syria chính là tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) FN-6. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ FN-6 đến tay những lực lượng này bằng con đường nào.
Vũ khí Trung Quốc không chỉ xuất hiện tại điểm nóng Trung Đông, theo tờ The Washington Post, vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc đã bị phát hiện trong một loạt điều tra của LHQ tại những khu vực đang có chiến sự, từ CHDC Congo tới Bờ Biển Ngà, Somalia và Sudan.
Trong khi đó, Bắc Kinh thường từ chối hợp tác với các chuyên gia LHQ. Trung Quốc còn bị cho là đã sử dụng sức mạnh ngoại giao để giảm những cuộc điều tra nhằm vào nước này.
Hiện tại, LHQ áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với 13 nước hoặc tổ chức, trong đó có Taliban, al-Qaeda và bảy nước châu Phi. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh có tuân thủ quy định quốc tế hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Trong vòng một thập niên vừa qua, từ vị trí của một nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu quốc phòng.
Đặc biệt, nước này đang là nhà cung cấp vũ khí dẫn đầu thị trường Hạ Sahara, phía nam châu Phi, với 16 khách hàng trong khu vực. Kết quả này có được từ chương trình xuất khẩu vũ khí giá rẻ mà Bắc Kinh theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom (SIPRI) ở Thụy Điển, Trung Quốc hiện chiếm 25% thị phần vũ khí tại khu vực Hạ Sahara. Ông Pieter D.Wezeman, tác giả chính của báo cáo trên, nhận định: "Châu Phi rõ ràng là thị trường quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, vì đây là bước đệm để họ trở thành nước bán vũ khí hàng đầu thế giới".
Cũng theo ông, vũ khí Trung Quốc vẫn kém cạnh tranh tại thị trường các nước công nghiệp nên Bắc Kinh phải tập trung vào châu Phi. Trước đó, Viện Nghiên cứu RAND, được tài trợ bởi Lầu Năm Góc, công bố tài liệu mang tên "Chinese arms production and sales to the third world" (tạm dịch Trung Quốc sản xuất vũ khí và bán cho thế giới thứ ba).
Đây là báo cáo mật do quân đội Mỹ thực hiện năm 1990 nhằm đánh giá, phân tích về chương trình phát triển và xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Báo cáo này ghi nhận các nước châu Phi đang trở thành những bạn hàng quan trọng của các nhà xuất khẩu vũ khí Trung Quốc. (Ảnh trong bài: Lực lượng IS và phe "đối lập ôn hòa" tại Syria sở hữu tên lửa FN-6 do Trung Quốc sản xuất).