Vũ khí độc nhất vô nhị
Hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1 được cho là một trong những vũ khí “độc nhất vô nhị” mà quân đội Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine. TOS-1 hoạt động sát cánh cùng với các đoàn xe của Nga và hỗ trợ hỏa lực để chống lại hệ thống phòng thủ của Ukraine. Nhờ vậy, xe tăng và xe thiết giáp chiến đấu chủ lực của Nga được cung cấp đường hướng rõ ràng để dễ bề hoạt động. Từ thiết kế đến tính năng, TOS-1 có khả năng gieo rắc nỗi sợ hãi trên mọi chiến trường.
TOS-1 thường được gọi là súng phun lửa hạng nặng, nhưng về bản chất, đó là hệ thống phóng tên lửa đa nòng (MRLS) sử dụng tên lửa nhiệt áp. Tên lửa nhiệt áp nói riêng và vũ khí nhiệt áp nói chung là loại vũ khí sử dụng oxy từ không khí để tạo ra một vụ nổ có nhiệt độ cao, gây ra hàng loạt sóng chấn động dài và lớn hơn các loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường.
Loại vũ khí có từ thời Liên Xô này được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho các đơn vị bộ binh và xe tăng chiến đấu chủ lực di chuyển qua chiến trường. Vì thế TOS-1 thường được triển khai theo chiến tuyến của các đơn vị cơ giới.
TOS-1 có thể tiêu diệt các lực lượng của đối phương trong các boongke, tòa nhà và chiến hào, tấn công công sự và xe bọc thép. Nó cũng có thể phá hủy các tàu sân bay. Cơ chế hoạt động của vũ khí này tương tự như các hệ thống MLRS khác nhưng nó có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau.
TOS-1 ra đời vào đầu những năm 1980 và được Quân đội Liên Xô sử dụng trên chiến trường Afghanistan. Sau đó, các lực lượng Nga đã triển khai hệ thống này ở Chechnya. Trong hoạt động quân sự ở Chechnya, nó có tên gọi khác là "Buratino". Điều đáng chú ý là hệ thống TOS-1 ban đầu chỉ được sử dụng để thử nghiệm và đánh giá chứ không được sản xuất với số lượng lớn.
Vũ khí này có bệ phóng BM-1, gồm 30 ống phóng sử dụng loại đạn rocket cỡ 220mm. Đạn được chia ra làm 2 loại, gồm đầu đạn chứa chất gây cháy và đầu đạn sử dụng chất nổ nhiệt áp – loại thuốc nổ dùng để chế tạo bom công phá ứng dụng công nghệ chân không, ưu tiên chống lại các công trình phòng thủ như công sự. Xe phóng sử dụng khung gầm T-72 sửa đổi – vốn là thân xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô, sử dụng động cơ diesel V-82-1, có tầm hoạt động khoảng 550km và tốc độ 65km/h. TOS-1 được trang bị hệ thống dẫn đường và điều khiển hỏa lực hiện đại, cho phép bắn mà không cần chuẩn bị sơ bộ về địa hình và trắc địa. Khi hoạt động trên chiến trường, quân đội có thể triển khai máy bay không người lái để giúp xác định mục tiêu cho hệ thống.
Gieo rắc nỗi sợ hãi trên chiến trường
Tên lửa nhiệt áp được phóng từ TOS-1 có thể đốt cháy khu vực có diện tích bằng 2 sân bóng đá. Một khi quả tên lửa nặng 200kg bắn trúng mục tiêu, nó phát nổ với áp suất cực lớn, giải phóng nhiệt lên tới 3.000 độ C, khiến cả giáp thép bảo vệ cũng tan chảy. Sức sát thương đối với con người càng lớn hơn trong những không gian hẹp như hầm, đường hào, boongke …Áp suất quá cao có thể làm gãy xương, vỡ màng nhĩ, phá hủy các cơ quan nội tạng. Hiệu ứng chân không có thể hút cạn không khí trong phổi của nạn nhân, khiến phổi xẹp xuống và dẫn đến tử vong do ngạt thở.
Tuy vậy, TOS-1 cũng có một số nhược điểm. Nó có tầm bắn ngắn hơn các hệ thống phóng đa nòng khác, vào khoảng 3.500m đến 6.000m phụ thuộc vào tuổi đời của hệ thống. Đối phương có thể tấn công hệ thống này ở khoảng cách hơn 300m.
Phương Tây không có loại vũ khí tương tự như TOS-1, nhưng có rất nhiều hệ thống phóng tên lửa đa nòng khác chẳng hạn như M142 HIMARS từng được quân đội Mỹ sử dụng để tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và mới đây trang bị cho Ukraine. Tuy vậy, các hệ thống pháo như vậy thường sử dụng đạn chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh chứ không phải đạn nhiệt áp.
Trong cuộc chiến tại Ukraine, quân đội Nga đã sử dụng phiên bản TOS-1A Solntsepek. Phiên bản này được đưa vào biên chế từ năm 2001, có tầm hoạt động 6.000m. Tầm bắn này đủ xa để nó có thể nằm ngoài vùng hỏa lực trả đũa của các loại vũ khí chống tăng của đối phương. Số lượng ống phóng của TOS-1A Solntsepek giảm xuống còn 24 ống do tên lửa mà nó sử dụng có trọng lượng 90kg, nặng hơn so với tên lửa dùng chi các phiên bản khác.
Nga đã bán ít nhất 4 hệ thống TOS-1 cho Iraq vào năm 2014 và các hệ thống này từng được Badgdad được sử dụng trong cuộc chiến chống IS tại Jurf al-Sakhar.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, TOS-1 đã được sử dụng trong cuộc chiến kéo dài giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh năm 2020. Nga đã bán TOS-1A cho cả 2 bên trong cuộc xung đột: Azerbaijan có 18 hệ thống còn số lượng Armenia sở hữu vẫn chưa rõ. Ngoài ra, hệ thống này cũng được cung cấp cho Kazakhstan và Saudi Arabia./.