Thông tấn Anh dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên ngày 3/9 cho biết Tên lửa Hành trình Không đối đất Tầm xa Liên quân (JASSM) AGM-158 sẽ có trong gói vũ khí viện trợ cho Ukraine được công bố vào mùa thu năm nay, nhưng Mỹ vẫn chưa ra quyết định chính thức.
Những cân nhắc của Mỹ hiện nay là sẽ chuyển giao JASSM phiên bản cũ có tầm bắn khoảng 230 dặm hay phiên bản tầm xa hơn có thể bay xa hơn 500 dặm. Dù quyết định chính thức chưa được đưa ra nhưng theo Reuters, phương án tầm xa đang được Mỹ cân nhắc.
Nguồn tin này cho biết tiến trình chuyển giao JASSM AGM-158 có thể mất vài tháng, do Mỹ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật. Cả Mỹ và Ukraine đều vọng JASSM sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường, khi đưa nhiều mục tiêu của Nga vào tầm bắn của loại đạn dẫn đường chính xác này.
Cũng theo nguồn tin này, nếu phương án tầm xa được Mỹ lựa chọn, Không quân Ukraine sẽ có thể khai hỏa ngoài tầm phát hiện của nhiều hệ thống phòng không của Nga hiện nay, bao gồm cả hệ thống tầm xa S-400.
"Nếu thực sự gói viện trợ Kiev lần này có phiên bản tầm xa của JASSM thì những hệ thống phòng thủ tối tân do Nga sản xuất có rất ít cơ hội để đối phó", chuyên gia quân sự Mỹ, Jim Gomez nói.
Vị chuyên gia này cho biết, JASSM hiện là tên lửa hành trình được tích hợp những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình, cho phép xâm nhập các khu vực có mạng lưới phòng không dày đặc.
Với tầm bắn lên tới hơn 500 dặm, tên lửa vượt xa khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không S-300 và hoàn toàn đủ sức khiến S-400 sản xuất bị bất ngờ.
Điều đó có nghĩa là các hệ thống phòng không S-400 sẽ rơi vào tình trạng thụ động, rất khó khăn để đánh chặn tên lửa hoặc những chiến đấu cơ trước khi chúng phóng tên lửa.
Giới quân sự phương Tây nhận định JASSM, với khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết tên lửa Ukraine đang sở hữu, có thể buộc Nga phải bố trí điểm tập kết và kho hậu cần lùi xa hơn hàng trăm km.
Điều này sẽ làm phức tạp khả năng duy trì chiến dịch của Nga, mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Ukraine đang cần thêm nhiều vũ khí có hỏa lực mạnh hơn khi quân đội nước này tiếp tục đối mặt áp lực dữ dội từ lực lượng Nga dọc theo mặt trận ở vùng Donbass.
Việc Mỹ cung cấp JASSM cho Ukraine có thể gây thêm sức ép buộc nước này phải dỡ bỏ hạn chế về cách dùng vũ khí họ viện trợ. Nguồn tin này cho biết tác dụng của tên lửa JASSM sẽ bị giảm nếu Ukraine không được dùng chúng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Mỹ nhiều lần miễn cưỡng cung cấp vũ khí có thể tấn công vào mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga cho Ukraine, do Washington lo ngại chúng làm leo thang xung đột.
Một số quốc gia phương Tây cũng hạn chế cách thức và thời điểm Ukraine dùng vũ khí họ viện trợ tấn công lãnh thổ Nga vì sợ điều này khiến NATO bị kéo vào xung đột hoặc làm bùng phát cuộc xung đột hạt nhân.