Đạn lượn Lancet hay UAV cảm tử Lancet là một thành công nổi bật của Nga. UAV nặng 15kg này đã chứng tỏ năng lực hạ gục một loạt mục tiêu, từ xe tăng chiến đấu chủ lực đến máy bay đang đỗ, ở vị trí xa ngoài đường chân trời.
Lancet cũng đặc biệt hiệu quả khi tấn công pháo và hệ thống phòng không đối phương.
UAV Lancet của Nga. Ảnh: Gagadget.
Sự trỗi dậy của Lancet
Sau khi được sử dụng thử nghiệm tại Syria vào năm 2021, máy bay không người lái (UAV) Lancet đã được đưa vào phục vụ đầy đủ trong cuộc xung đột đó. Lần đầu tiên người ta biết Lancet được sử dụng trong xung đột Ukraine là vào tháng 7/2022. Sau đó Lancet được sử dụng trên chiến trường này với số lượng tăng dần.
Samuel Bendett - một nhà phân tích làm việc cho CNA, CNAS và CCIS nói với 19FortyFive rằng Lancet đươc sử dụng chủ yếu bởi lực lượng đặc nhiệm, tạo ra khó khăn cho quân đội Ukraine.
Bendett nói, có dấu hiệu ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đẩy mạnh sản xuất Lancet cũng như cải tiến để tạo ra các thiết kế hiện đại hơn.
Lancet phóng từ một đường ray và truyền video về cho trắc thủ. Lancet thường bay cùng UAV trinh sát chuyên phát hiệu mục tiêu và cung cấp tọa độ. Trắc thủ Lancet điều khiển UAV này tới khu vực mục tiêu, xác nhận mục tiêu bằng thị giác rồi tiến hành tấn công.
Một cánh quạt điện tạo lực đẩy cho Lancet ở tốc độ khoảng 112km/h.
Trước đây Lancet tập trung tấn công vào các mục tiêu tĩnh. Các video gần đây cho thấy Lancet đã chuyển sang tấn công cả các xe đang di động. Đây có thể là thay đổi về quan điểm hoặc do cải thiện trong kỹ năng điều khiển của trắc thủ.
Hiệu quả tác chiến của UAV này
Một nhà phân tích Ukraine cho rằng tỷ lệ thành công của Lancet trên chiến trường là xấp xỉ 30%.
Theo Lost Armor, tính đến ngày 3/10, có khoảng 667 video về đòn tấn công của Lancet. Trong số này, 210 UAV được xác định là phá hủy được mục tiêu (chiếm 31%), 335 gây hư hại cho mục tiêu (53%), 48 UAV trượt mục tiêu (7%) và 52 trường hợp không rõ (7%).
Với giá của Lancet là 35.000 USD một chiếc, trong khi mỗi mục tiêu Ukraine có giá trị hàng triệu USD thì Lancet là một giải pháp rất hiệu quả về chi phí.
25% mục tiêu của UAV trong số trên là xe tăng và xe thiết giáp hạng nhẹ, trong đó có ít nhất một xe tăng Leopard-2 do Đức cung cấp cho Ukraine. Chiếc xe tăng này trước đó đã bị bất động do trúng mìn hoặc tên lửa, sau đó Lancet ra đòn hủy diệt nó. Giá một chiếc xe tăng Leopard-2 này là 11 triệu USD, tương đương với giá của 300 chiếc UAV Lancet cộng lại.
15% số mục tiêu có giá trị rất cao, đó là các bệ phóng tên lửa phòng không và hệ thống radar của Ukraine. Các bệ phóng và hệ thống này thường được đặt ở vị trí cách tiền tuyến vài dặm nhưng như thế vẫn chưa đủ xa để nằm ngoài tầm với của Lancet. Khi Lancet loại bỏ thành công các mục tiêu này, Nga có điều kiện triển khai ưu thế trên không, thông qua máy bay trực thăng và máy bay cường kích.
Đóng vai trò phản pháo
Bình thường người ta sử dụng chính lực lượng pháo binh của mình để đánh vào pháo binh đối phương. Nhưng Nga hiện nay lại sử dụng phổ biến Lancet như một vũ khí phản pháo. Với tầm bay xa và khả năng tìm kiếm mục tiêu trên mặt đất, UAV Lancet sở hữu lợi thế thực sự. Trong lúc đó, người điều khiển Lancet vẫn ẩn mình an toàn ở nơi xa, không dễ bị đối phương đánh trả bằng hỏa lực phản pháo.
Theo thống kê của Lost Armor, Lancet đánh trúng 142 khẩu pháo tự hành, 170 khẩu súng (bao gồm súng cối). Các con số này là đáng kể. Theo dữ liệu của nhóm phân tích nguồn mở Oryx, Ukraine có tới 222 pháo tự hành bị phá hủy hoặc hư hại. Như vậy, Lancet có thể gây ra tới 64% tổn thất về pháo tự hành của Ukraine.
Tỷ lệ pháo kéo bị UAV Lancet đánh trúng còn cao hơn nữa: 169 khẩu. Lưu ý, pháo kéo vốn khó bị đánh trúng hơn, và nếu bị đánh trúng thì cũng ít hỏng hóc hơn so với pháo tự hành vì xe pháo tự hành thường để lại vết xích (nên dễ phát hiện), đồng thời chứa nhiên liệu dễ cháy và đạn nổ trên xe (nên khi trúng hỏa lực thường dễ phát nổ mạnh).
Hồi tháng 9, một Lancet của Nga phá hủy một máy bay MiG-29 của Ukraine đang đậu trên sân bay ở cự ly ít nhất là 80km. Theo truyền thông Nga, làm được điều này là nhờ vào các chỉnh sửa thiết kế của UAV.
Thành công nói trên của Lancet đã truyền cảm hứng để các công ty và các nhóm tình nguyện của Nga thiết bị các UAV giá rẻ theo phong cách Lancet.