"Thứ ta vứt như rác lại là món cao cấp ở Mỹ"?
Đầu tiên chúng ta hãy xem cây viết với bút danh "Xiao xiao ai luyou" (Tiểu tiểu thích du lịch) đã viết gì trên bài viết "Bị người Trung Quốc gốc vứt đi như rác, nhưng nó rất phổ biến ở Mỹ và trở thành món ăn vặt đặc trưng của Michelin" được đăng tải trên Sohu ít giờ trước:
"Văn hóa ẩm thực chúng ta (Trung Quốc) rất phong phú, đầu bếp Trung Quốc cũng rất giỏi, họ có thể chế biến những nguyên liệu bình thường thành những món ăn rất ngon, hơn nữa mỗi nơi trên nước ta đều có những món ăn địa phương riêng.
Người nước ngoài cũng dần chấp nhận các món ăn Trung Quốc, nhiều món ăn nhẹ đã được bán ra nước ngoài như Laoganma (một thương hiệu tương ớt của Vân Nam), tăm cay…
Tuy nhiên, khi bì lợn (da heo) đến Mỹ và đặc biệt là sau khi nó được đưa vào nhà hàng Michelin, người Mỹ rất ưa chuộng món ăn này. Giá bì lợn đã tăng gấp nhiều lần sau khi vào tay các đầu bếp của Michelin – dù họ thường chỉ chế biến một cách đơn giản đó là chiên (rán) giòn.
Hình minh họa.
Với người Trung Quốc chúng ta, kiểu nấu nướng này đơn giản tới mức không thể chịu nổi vì bản thân bì lợn chứa rất nhiều dầu, việc chiên lên chắc chắn sẽ rất béo. Nhưng người Mỹ lại thích món ăn giòn này.
Bì lợn có giá trị dinh dưỡng khá tốt và tại nhà hàng Michelin, món ăn này đã trở thành đặc trưng.
Nó rất phổ biến ở địa phương (Mỹ) nhưng nhiều người Trung Quốc rất ngạc nhiên và nói rằng họ không thể chấp nhận nó".
"Người Trung Quốc gốc" có vứt bì lợn "như rác"?
Liệu "người Trung Quốc gốc" có thật sự vứt bì lợn, da heo "như rác" hay không? Câu trả lời là không.
Theo các nhà khoa học, bì lợn có hơn 26% protein và hơn 90% là protein collagen giúp trẻ hóa da, gấp 2,5 lần so với thịt lợn. Đông y cũng cho rằng bì lợn có thể bổ âm và nó là thành phần quan trọng trong nhiều đơn thuốc để điều trị nóng trong.
Bì lợn - da heo tươi hay sấy khô và chiên giòn (còn gọi là bóng bì) đã là một nguyên liệu phổ biến trong các món ăn Trung Quốc và các nước châu Á khác từ lâu.
Hình minh họa.
Ngoài việc nấu canh - súp, bóng bì cùng táo tàu và đường phèn cũng có thể được chế biến thành một món chè có chức năng bồi bổ cho nữ giới.
Bì lợn cũng có thể được các đầu bếp Trung Quốc hấp, cắt nhỏ, nấu với đậu nành và ớt để tạo thành một dạng nước chấm.
Không những vậy, bì lợn, mỡ và phần thịt gần đó cũng là thành phần chủ yếu của món Jingrou Zhi zha (Tinh nhục chỉ tra – hiểu đơn giản là tóp mỡ) cực kỳ nổi tiếng của Tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Cách chế biến là loại bỏ phần da, phần biểu bì, mỡ và thịt còn lại được thái chỉ. Dải nguyên liệu này sẽ được chiên giòn trước khi nêm thêm muối và các gia vị khác khi còn nóng.
Nhiều nhà sản xuất thực phẩm Trung Quốc đã biến Jingrou Zhi zha thành đồ ăn vặt bán ở các cửa hàng tiện lợi và siêu thị từ lâu, với các dạng gói nhỏ và bánh lớn.
"Jingrou Zhi zha" là món ăn vặt nổi tiếng ở Trung Quốc.
Người Mỹ có thật sự mới biết đến món da heo chiên giòn gần đây?
Một sai lầm khác trong bài viết kể trên đó là việc người Mỹ mới biết đến món da heo chiên giòn. Thực tế là người Mỹ đã đặt hẳn một cái tên riêng cho món ăn này và nó là "pork rind" (Bì lợn/da heo).
Được biết "pork rind" đến miền Nam nước Mỹ từ nước láng giềng Mexico, nơi từ lâu nó được gọi là Chicharrones. Người Mexico đã tẩm gia vị cho bì lợn (đôi khi còn lẫn với mỡ và thịt) trước khi chiên giòn nó để ăn cùng với các món ăn khác.
Hiện nay món Pork rind/Chicharrones này phổ biến tới mức nhiều nhà sản xuất tại Mỹ đã chế biến nó thành dạng bánh snack để bán cho người tiêu dùng.
Hình minh họa.
Bài viết chỉ đúng ở 1 điểm?
Có thể thấy phần chính xác nhất của bài viết đến từ việc một số nhà hàng được gắn sao Michelin đã giúp "nâng cấp" món ăn vặt này trở thành một món ăn trong nhà hàng.
Theo một bài viết được tờ báo địa phương Anh Coventry Live đăng tải vào năm 2018, một nhà hàng có sao Michelin ở Warwickshire* đã biến bóng bì (được chiên từ bì lợn, da heo tươi) cùng nhiều loại nước chấm thành một món ăn cỡ lớn gây thu hút thực khách.
Được biết các nhà hàng có sao Michelin khác bao gồm cả ở Mỹ cũng đã làm theo cách tương tự, biến những miếng bóng bì cỡ lớn thành món ăn hấp dẫn.
Không những vậy, trang Michelin Guide cũng giới thiệu về một món ăn có liên quan tới bì lợn và rất phổ biến trong các nhà hàng được họ chấm điểm. Và đó chính là Shao rou - thịt ba chỉ quay Quảng Đông mà chúng ta thường gọi vắn tắt hơn là thịt quay.
* Warwickshire ở miền trung nước Anh và nổi tiếng vì là nơi sinh của nhà văn và nhà viết kịch William Shakespeare.
Món bì lợn chiên giòn được đầu bếp Adam Bennett chế biến tại nhà hàng có sao Michelin ở Warwickshire (Nguồn: Coventry Live).