Trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của tổ tiên ta, nhân dân ta đã biết dùng mọi phương tiện, biết sử dụng tài tình mọi thứ có trong tay thành vũ khí đánh giặc.
Vũ khí thô sơ, tự chế tạo đã góp phần to lớn vào việc thực hiện chủ trương “toàn dân là lính”, hoặc “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, góp phần vào thắng lợi chung của các thời kỳ chống ngoại xâm trước đây.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với quan điểm toàn dân đánh giặc, dựa vào sức mình là chính, vũ khí thô sơ càng được phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng giành thắng lợi cuối cùng.
Trong điều kiện thiếu thốn về nhiều mặt, đặc biệt là vũ khí, nhân dân ta đã sử dụng mọi loại vũ khí thô sơ, tự tạo để góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Pháp và Mỹ.
Tuỳ theo khả năng và điều kiện của từng địa phương, đơn vị, sở trường của mỗi người, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ dân tộc, ai có điều kiện đánh giặc bằng cách nào thì sản xuất ra kiểu vũ khí đó.
Địa phương, dân tộc nào có kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu bằng những kiểu loại vũ khí gì thì phát triển mạnh mẽ về loại đó để có vũ khí đánh giặc vừa kịp thời, vừa lâu dài.
Theo quan niệm đó, vũ khí trang bị kỹ thuật tự tạo của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến có tính khả thi cao và hiệu quả lớn. Nổi lên trong các loại vũ khí thô sơ đó là các loại sau:
Bộ đội đặc công vượt bãi chông.
Chông
Chông là loại vũ khí thô sơ thường được làm bằng sắt hoặc tre, thân dừa già vót nhọn, có ngạnh và có thể tẩm chất độc nhằm sát thương sinh lực địch. Đây là loại vũ khí thô sơ dễ chế tạo, dễ bố trí nhất của nhân dân ta.
Tùy theo cách bố trí mà có hầm chông, hố chông, chông phóng, chông rơi, chông chém,… Trong hai cuộc kháng chiến, chông đã phát huy được tác dụng của mình khi chống địch đi càn, xây dựng làng kháng chiến, chống địch đổ bộ đường không, bố trí bảo vệ căn cứ,…
Cả lính Pháp và lính Mỹ sau này đều rất sợ loại vũ khí này, nó có thể không gây chết người nhưng lại khiến cho đối phương mất sức chiến đấu và đáng sợ nhất là nó hầu như có mặt ở khắp nơi, không thể đề phòng hết được.
Bẫy đá
Bẫy đá thường được dùng nhiều ở vùng đồi núi, nơi có địa hình hiểm trở hoặc đường độc đạo, đường đèo. Bẫy đá thông thường gồm có giàn đá, dây treo hoặc chân chống, dây vướng, lẫy,…
hi dây vướng bị kéo căng (do đối phương tự vướng hoặc người điều khiển), lẫy tuột khỏi cạm vòng, đá đựng trên giàn rơi, lăn xuống sẽ tạo ra một trận “mưa” đá trực tiếp sát thương địch hoặc khiến cho chúng phải tránh né mà sa vào bãi chông, mìn đã được bố trí sẵn của ta.
Nổi tiếng nhất trong hai cuộc kháng chiến là các loại bẫy đá của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Pi-năng-tắc ở quê hương Bác Ái kiên cường.
Một trong những trận sử dụng bẫy đá có hiệu quả cao của nhân dân Bác Ái là trận chống càn ngày 10-8-1961, một đại đội địch bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Suốt một ngày, 2 máy bay trực thăng địch chỉ chuyên làm nhiệm vụ dọn và chở xác địch bị chết về đồn. Bọn thoát chết kể, khi bẫy đá sập không biết trốn đằng nào, đứa bị đá đập vỡ sọ, đứa bị đá vằm nát mặt, đứa bị đè gẫy sống lưng, tay chân.
Bom, đạn thì còn có cách ẩn nấp chứ bẫy đá sập thì không biết đâu mà lường...
Nỏ
Đây là loại vũ khí thô sơ tầm xa có lịch sử rất lâu đời, bình thường nó là công cụ để săn bắn nhưng khi đánh giặc đây lại là loại vũ khí có sức uy hiếp rất lớn. Nó, có nơi gọi là ná thường gồm một cánh cung gá lắp trên thân nỏ có rãnh và lẫy nỏ.
Tùy vào lực căng của dây cung mà nỏ có khi bắn xa tới 400m. Đặc biệt, đây là loại vũ khí bắn xa nhưng hoàn toàn không có tiếng động, rất phù hợp với điều kiện của chiến tranh du kích. Nếu được bôi tẩm thuốc độc thì tên nỏ lại càng có sức sát thương cao.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Anh hùng Núp người dân tộc Ba Na đã dùng nỏ tiêu diệt trên 80 tên giặc, cùng đội du kích giữ vững buôn làng.
Bộ đội đặc công với những vũ khí thô sơ.
Mác búp đa
Là một loại vũ khí lạnh từng được sử dụng nhiều thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Gọi là mác búp đa vì nó gồm một lưỡi sắt nhọn có hình dạng giống búp non của lá đa cắm trên một cán tre hoặc gỗ. Đây là loại vũ khí rất dễ sản xuất, trang bị.
Trong điều kiện thiếu thốn vũ khí của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cho đến những năm 50 bộ đội ta vẫn chủ yếu sử dụng loại vũ khí này.
Đao, kiếm
Loại vũ khí này xuất hiện từ thời trung cổ, là loại vũ khí lạnh mà sức sát thương sinh ra bởi năng lượng cơ bắp của con người.
Đao, kiếm thường có một hoặc hai lưỡi sắc, dùng để đâm, chém. Khi xuất hiện vũ khí nóng (súng), đao kiếm cũng như các loại vũ khí lạnh khác mất dần tác dụng.
Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam ta ở cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dù không phổ biến nhưng đao, kiếm đã từng được sử dụng bởi các đội viên du kích, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn trước khi được trang bị súng đạn.
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta luôn là lịch sử của cuộc chiến đấu “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” và chính vì thế chiến tranh nhân dân luôn đóng vai trò là chiến lược chiến tranh ưu việt nhất.
Nhiều vũ khí thô sơ vẫn được bộ đội ta trang bị và huấn luyện sử dụng.
Có chiến tranh nhân dân sẽ sản sinh ra vũ khí của nhân dân và vũ khí thô sơ, tự tạo luôn là loại vũ khí chiếm vị trí quan trọng nhất. Vũ khí thô sơ dễ sản xuất với số lượng lớn, dễ sử dụng và dễ gây tâm lý hoang mang nhất cho đối phương.
Nó phù hợp với mọi địa hình, thời tiết cũng như chiến thuật, nó dành cho mọi người dân từ em nhỏ đến cụ già.
Xét về một góc độ nào đó, vũ khí thô sơ trong bàn tay một dân tộc yêu tự do, độc lập như dân tộc Việt Nam ta còn có sức mạnh lớn hơn mọi loại vũ khí tiên tiến, hiện đại của bè lũ xâm lược.
Trong bối cảnh hiện nay, dù khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật vũ khí đã phát triển đến một trình độ rất cao nhưng chiến tranh nhân dân và cùng với nó là vũ khí của nhân dân vẫn không hề lạc hậu.
Nó sẽ vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của chúng ta hiện nay.
Vũ khí thô sơ trong tình hình mới, với nhiệm vụ mới cũng vẫn là một thứ vũ khí đáp ứng đầy đủ nhu cầu đánh trả các cuộc chiến tranh xâm lược và làm thất bại âm ưu chống chế độ CNXH của đất nước ta, nếu nó xảy ra..