Vũ khí giúp Ukraine giữ đà phản công nhưng nhiều nước từ chối cung cấp

Hoàng Phạm/VOV.VN (Theo CNN, Insider, WSJ, WP) |

Ukraine đang đạt được những tiến bộ chậm và ổn định trong cuộc phản công hiện nay với sự trợ giúp của các loại bom, đạn chùm. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Mỹ vẫn chưa có nước nào khác đồng ý cung cấp cho Kiev loại vũ khí này.

Vũ khí giúp Ukraine giữ đà phản công

Chiến dịch phản công của Ukraine gặp nhiều khó khăn vì những bãi mìn dày đặc trước phòng tuyến Nga, cùng hỏa lực vượt trội từ pháo binh, và lợi thế trên không của đối phương. Tuy nhiên, với đạn chùm do Mỹ cung cấp, quân đội Ukraine đã có thể tấn công lực lượng Nga nhằm mở đường cho bộ binh tiến lên.

Lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine đã tiến công lần thứ hai trong 2 tuần qua trên tiến tuyến phía Đông Nam, hướng tới thành phố cảng quan trọng Mariupol với việc tái chiếm làng Urozhaine hôm 16/8, được cho là nhờ sử dụng đạn chùm.

Vũ khí giúp Ukraine giữ đà phản công nhưng nhiều nước từ chối cung cấp - Ảnh 1.

Ukraine đang đạt được những tiến bộ chậm và ổn định trong cuộc phản công hiện nay với sự trợ giúp của các loại bom, đạn chùm. Ảnh: Reuters

Cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, Ben Hodges, nói rằng Mỹ quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine trong bối phương Tây đang dần cạn kiệt đạn pháo 155 mm, loại đạn chủ lực trong các đợt tấn công trước đây của Kiev. Theo ông, đạn chùm hiệu quả hơn và phù hợp hơn với một đội quân đang bị áp đảo về số lượng như Ukraine hiện nay.

Đạn chùm khi phát nổ sẽ rải những quả đạn con trên khu vực rộng lớn. Chúng có thể rơi xuống mọi ngóc ngách trong hầm hào, công sự, tiêu diệt bộ binh ẩn nấp trong đó, điều mà các loại hỏa lực pháo binh khó có thể làm được. Một trong những cách đối phó với lực lượng đông đảo của đối phương là sử dụng loại đạn có khả năng phân tán trên diện rộng này.

Ông Hodges cũng cho rằng đạn chùm phù hợp với những thay đổi chiến thuật gần đây của Ukraine, đó là nhắm mục tiêu vào các khẩu đội pháo binh Nga.

"Chúng có thể phá hủy những khẩu pháo, miễn là họ (quân Ukraine) có thể tiếp cận đủ gần", ông Hodges nói.

Ngoài Mỹ, chưa nước nào cung cấp đạn chùm cho Ukraine

Trong số các loại vũ khí mà Ukraine đang sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga, đạn chùm có lẽ là thứ gây tranh cãi nhất.

Quyết định của Mỹ gửi đạn chùm cho Ukraine không những vấp phải sự chỉ trích nặng nề của nhiều nhóm hoạt động nhân đạo mà cả từ các đồng minh. Canada và Đức đã ra tuyên bố lên án động thái của Mỹ. Ngay cả ở Mỹ cũng đã có sự phản đối.

Các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bảo vệ quyết định của mình bằng cách khẳng định rằng bom, đạn chùm sẽ giúp Ukraine duy trì mức hỏa lực hiện tại trong khi cắt giảm tỷ lệ sử dụng đạn pháo và bảo toàn kho dự trữ đang bị kéo căng của cả Kiev cũng như Washington và các nước phương Tây.

Hơn 100 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng bom, đạn chùm bởi không phải tất cả đạn con đều phát nổ ngay sau khi phóng ra từ đạn mẹ, mà chúng có thể tồn tại suốt nhiều năm và gây thương vong cho dân thường sau khi chiến sự kết thúc.

Trong một cuộc xung đột, khi một bên tham chiến không hề đắn đo về việc sử dụng các vũ khí gây kinh hoàng, thì sớm hay muộn bên còn lại cũng sẽ sử dụng chúng. Đó là một thực tế xuyên suốt lịch sử. Từ năm 1899, các quốc gia châu Âu đã đồng ý không sử dụng "khí gây ngạt hoặc có hại" để chống lại nhau. Nhưng khi chiến tranh nổ ra vào năm 1914, chẳng bao lâu cả hai bên đều đã sử dụng đến loại vũ khí như vậy.

Trong Hiệp ước Hải quân London năm 1930, các bên ký kết đã thiết lập các quy tắc rõ ràng về tất cả những việc mà các thủy thủ tàu ngầm phải làm trước khi đánh chìm tàu buôn, trong đó đáng chú ý nhất là phải đưa ra cảnh báo và hỗ trợ thủy thủ đoàn đến nơi an toàn. Bắt đầu từ năm 1939, các chiến binh châu Âu đã phát động các cuộc tấn công bằng tàu ngầm vào nhau mà không tuân theo các quy tắc đã đặt ra. Khi Mỹ tham chiến sau trận Trân Châu Cảng, một trong những mệnh lệnh đầu tiên từ bộ chỉ huy cấp cao của hải quân là bắt đầu cuộc chiến tàu ngầm không hạn chế chống lại tàu buôn của Nhật Bản.

Các cuộc oanh tạc trên không cũng tương tự như vậy. Các công ước La Hay khác nhau vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã cấm "tấn công hoặc bắn phá, bằng bất kỳ phương tiện nào vào các thị trấn, làng mạc, nhà ở hoặc tòa nhà không được bảo vệ". Trong trường hợp này, sự tàn phá của phe Trục đối với Warsaw, Rotterdam và Coventry ngay từ đầu cuộc chiến đã bị đáp trả bằng việc Anh và Mỹ dội bom xuống Hamburg, Dresden và Tokyo sau đó.

Đạn chùm không phải là viên đạn bạc

Mặc dù Ukraine đang đạt được những tiến bộ chậm và ổn định trong cuộc phản công hiện nay với sự trợ giúp của đạn chùm, nhưng đây không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi, vì chúng chỉ là một phần của các hoạt động tấn công rộng hơn. Tuy nhiên, đạn chùm đã được chứng minh là có ý nghĩa chiến thuật và hậu cần đối với Ukraine, cho phép lực lượng của Kiev đe dọa hệ thống phòng thủ đáng gờm của Nga và bảo tồn kho dự trữ đạn dược hạn chế của mình. Cả 2 yếu tố đó đều đặc biệt quan trọng vào thời điểm này.

Theo ông George Barros, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho đến nay, bom chùm đã cho thấy tầm quan trọng cả về mặt chiến thuật và hậu cần đối với Ukraine.

Từ quan điểm chiến thuật, Ukraine có thể sử dụng bom chùm để tấn công các vị trí chiến đấu kiên cố của Nga, vì những quả bom nhỏ có thể bao phủ phạm vi rộng trên mặt đất và đe dọa bất kỳ "ngóc ngách nào".

"Rất khó tránh được dạng hỏa lực gián tiếp như vậy so với một quả đạn đơn nhất từ pháo binh truyền thống. Nó làm tăng khả năng sát thương của Ukraine", ông Barros cho hay.

Đạn chùm cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho hậu cần của Ukraine khi cuộc phản công của Kiev tiếp tục tiêu tốn đạn pháo với tốc độ cực cao.

Mặc dù đạn chùm hoạt động hiệu quả, nhưng một mình chúng sẽ không chứng minh được tính quyết định trong cuộc phản công hay toàn bộ cuộc xung đột ở Ukraine.

Đạn chùm chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hơn 43 tỷ USD hỗ trợ an ninh mà Mỹ đã cam kết với Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2022. Các chuyên gia cho rằng thành công hay thất bại của Ukraine cuối cùng sẽ phụ thuộc vào cách nước này tích hợp tất cả viện trợ quân sự mà họ đã nhận.

"Thực tế là không có hệ thống vũ khí nào đóng vai trò như viên đạn bạc. Một bên có thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến bằng cách tăng sức mạnh chiến đấu của mình khi sử dụng các hệ thống khác nhau và cách chúng bổ sung cho nhau trong một cuộc xung đột. Nếu đối phương đã có nhiều thời gian để phòng thủ và xây dựng được những công sự dã chiến rất khó có thể bắn phá bằng đạn đơn nhất, thì cần chuyển sang công cụ khác trong hộp công cụ của mình", ông Barros nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại