IRIS-T là loại tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới do công ty quốc phòng Diehl BGT của Đức chế tạo. Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên không trong phạm vi 25 km.
Mục đích của tên lửa này được phát triển nhằm thay thế tên lửa không đối không AIM-9L Sidewinder. Phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên của tên lửa IRIS-T đã được chuyển giao cho không quân Đức trong tháng 12/2005.
Đặc biệt, vũ khí này còn có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu với đầu đạn nổ có độ phân mảnh cao. Nó được coi là một vũ khí tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu Typhoon, F-16, EF-18, Tornado và Gripen.
Tên lửa IRIS-T
Tên lửa này cũng được trang bị thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại (IR) với độ chính xác cao và khả năng chống tại các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Động cơ nhiên liệu rắn với điều khiển vector đẩy giúp nó có khả năng tấn công các mục tiêu có sự cơ động cao.
Thiết kế của tên lửa IRIS-T nặng 87,4 kg, dài 2,93 m, đường kính thân 127 mm, sải cánh 447 mm, lắp đầu nổ phá mảnh với ngòi nổ radar chủ động. Bộ phận chính cấu thành nên tên lửa không đối không IRIS-T gồm: bộ phận dẫn đường; đầu đạn; động cơ rocket và bộ phận điều khiển với cánh lái và van đẩy nhỏ.
Nhờ những trang bị ưu việt trên mà tên lửa này có khả năng bao quát phạm vi phòng thủ đến 360 độ do góc nhìn rất lớn của đầu dò và phi công có thể chỉ định mục tiêu bằng mũ bay JHMCS.
Một yếu tố kỹ thuật khác nhiều so với các loại tên lửa trước đó là nó được trang bị hai chế độ bắn: khóa trước khi phóng (LOBL) và khóa sau khi phóng (LOAL) cho phép tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở "bán cầu sau" - bám đuôi máy bay. Đặc biệt, module kiểm soát véc tơ lực đẩy bố trí ở đuôi đạn cho tên lửa có tính cơ động cao, bắn tốt các mục tiêu bám đuôi.
Tên lửa IRIS-T có khả năng diệt mục tiêu bám đuôi phía sau cực hiệu quả
Được biết, phiên bản tấn công mặt đất của tên lửa không đối không IRIS-T đã được thử nghiệm thành công. Bên cạnh biến thể triển khai từ chiến đấu cơ IRIS-T còn có cả biến thể phòng không IRIS-T SL được triển khai từ các bệ phóng di động.
Bản thân IRIS-T SL cũng có hai biến thể gồm tầm ngắn IRIS-T SLS và tầm trung IRIS-T SLM tuy nhiên thông số và khả năng tác chiến của biến thể này cho tới nay vẫn chưa mấy rõ ràng.
Đối với biến thể tấn công mặt đất của IRIS-T, nhiều khả năng cấu hình cơ bản của nó vẫn sẽ được giữa nguyên bao gồm cả đầu đạn nổ cực mạnh HE và đầu dẫn hồng ngoại IR. Theo đó nó chỉ cần được cập nhật hệ thống phần mềm mới bổ sung khả năng nhận biết các mục tiêu mặt đất.
Giống như nhiều sản phẩm quốc phòng khác của Châu Âu, tên lửa IRIS-T là sự hợp tác của nhiều công ty quốc phòng khác nhau nhưng đứng đầu vẫn là Diehl BGT Defence của Đức.
Từ năm 2005, một loạt quốc gia của Châu Âu tham gia vào chương trình phát triển IRIS-T đã bắt đầu đưa vào trang bị dòng tên lửa này như Đức Hy Lạp, Ý, Na Uy, Thụy Điển và Tây Ban Nha.