Lúc đầu, Ukraine nhận thấy đạn pháo Excalibur 155 mm được dẫn đường bằng GPS đột nhiên chệch khỏi mục tiêu.
Sau đó, tên lửa bắn bằng Himars - thứ vũ khí mà Kiev từng tự hào là có độ chuẩn xác "như dao mổ" - bắt đầu trượt mục tiêu. Ở một số khu vực, chúng hầu như luôn trượt.
Điều tương tự cũng xảy ra với bom dẫn đường JDAM do Mỹ cung cấp cho lực lượng không quân Ukraine.
Cuộc điều tra của Ukraine sau đó đã phát hiện ra rằng, tất cả những vũ khí này đều trở thành nạn nhân của một mối đe dọa mới – thiết bị gây nhiễu của Nga. Moscow đã âm thầm phát triển thiết bị có khả năng tiêu diệt một số loại tên lửa có giá trị nhất của Ukraine.
Theo tờ Telegraph (Anh), đây là một ví dụ hiếm hoi nhưng quan trọng về lợi thế công nghệ của Nga trong một cuộc chiến đang dần nghiêng về phía Moscow.
Dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến, một bức tường xung điện từ vô hình giờ trải dài như một lá chắn.
Một mạng lưới tín hiệu vô tuyến, hồng ngoại và radar phức tạp được giăng lên bầu trời trên chiến trường, mang lại cho lực lượng Nga sự bảo vệ chưa từng có ở một số khu vực.
Ukraine: 'Tác chiến điện tử của họ tốt hơn của chúng tôi'
Theo Telegraph, không chỉ tên lửa của Ukraine hiện không tiếp cận được mục tiêu. Có lẽ điều quan trọng hơn là năng lực của Nga trong việc chống lại các loại máy bay không người lái giá rẻ, đôi khi có sẵn, mà Ukraine đã trở nên phụ thuộc vào để trinh sát và tấn công tầm xa.
Và người Ukraine biết rằng họ đang ở thế bất lợi.
Một người lính Ukraine ở tiền tuyến - thuộc đơn vị súng cối 120 mm thường xuyên sử dụng máy bay không người lái Mavic do Trung Quốc sản xuất để phát hiện mục tiêu - nói với Telegraph rằng: "Họ [Nga] luôn có thiết bị tác chiến điện tử tốt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Nhưng bây giờ nó tốt hơn của chúng tôi."
Andrey Liscovich - thuộc Quỹ Quốc phòng Ukraine (UDF) - gần đây nói với chương trình phát thanh kỹ thuật số Geopolitics Decanted (Mỹ) rằng: "Đây vẫn là một vấn đề lớn ở mặt trận."
Ông giải thích, các lực lượng Ukraine đang ở trong một trò chơi "mèo vờn chuột" liên tục với đối thủ Nga khi họ tranh giành quyền kiểm soát sóng vô tuyến.
Các tần số vô tuyến được sử dụng để điều khiển cả máy bay không người lái tấn công góc nhìn thứ nhất và máy bay không người lái trinh sát đang "bị nhiễu gần như toàn bộ", Liscovich nói.
Theo Liscovich, các thiết bị do người Nga triển khai có thể làm xáo trộn hệ thống dẫn đường của máy bay không người lái Ukraine hoặc đơn giản là cắt đứt các kết nối điều khiển vô tuyến với người điều khiển của chúng. Một số máy bay không người lái rơi xuống đất mà không bắn trúng mục tiêu, trong khi một số khác bay lơ lửng trên không một cách mất kiểm soát cho đến khi hết pin.
Shipovnik-Aero gắn trên xe tải 'đặc biệt hiệu quả'
Một báo cáo của tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh Royal United Services Institute (RUSI) có trụ sở tại Anh cho thấy, Nga đã triển khai một hệ thống tác chiến điện tử lớn đặt cách nhau gần 10 km dọc theo tiền tuyến.
Hệ thống tác chiến điện tử Shipovnik-Aero gắn trên xe tải được cho là đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại máy bay không người lái của Ukraine. Với tầm bắn gần 10 km, nó có thể chặn máy bay không người lái và cũng có thể xác định được tọa độ vị trí của người điều khiển máy bay trong phạm vi 1 mét để hướng dẫn hỏa lực pháo binh trả đũa.
Ở những khu vực tiền tuyến không được trang bị các hệ thống phức tạp, binh lính Nga sử dụng các thiết bị nhỏ hơn, đặt trên chiến hào. Các hệ thống chạy bằng pin này có phạm vi hoạt động từ 50 đến 100 mét và bật không thường xuyên trong ngày để tiết kiệm năng lượng.
Theo RUSI, ở những khu vực này, việc tấn công mục tiêu của lực lượng Ukraine thường dễ dàng hơn do thiết bị của Nga không hoạt động hoặc máy bay không người lái của Ukraine tiếp cận đủ gần làm mất tín hiệu.
Nhưng ở những khu vực có mật độ thiết bị gây nhiễu tác chiến điện tử dày đặc hơn, binh lính Ukraine ngày càng phải thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hơn trước khi phóng đi máy bay không người lái quý giá của mình.
Ukraine sử dụng máy phân tích phổ để tìm ra tần số nào đang bị nhiễu ở gần đó. Và biện pháp đối phó chính là lập trình lại tần số của máy bay không người lái, nhưng điều này không đơn giản khi chúng được mua nguyên bộ hoặc được chế tạo bằng các bộ phận thương mại sẵn có.
Một chiến thuật khác là phóng đi một đàn máy bay không người lái vì không phải mọi tần số đều có thể bị chặn cùng một lúc.
Các biện pháp đối phó của phương Tây tốn hàng triệu USD
Theo Telegraph, các biện pháp đối phó phức tạp hơn được các nước NATO sử dụng phần lớn được coi là nằm ngoài tầm với của Ukraine.
Các hệ thống được quân đội phương Tây sử dụng có giá hàng nghìn USD, trong khi các nhà sản xuất máy bay không người lái của Ukraine đặt mục tiêu giữ cho thiết bị của họ rẻ nhất có thể, buộc họ phải sử dụng công nghệ tiêu dùng.
Các báo cáo cho thấy, máy bay không người lái FPV có giá chỉ 260 USD đã được Ukraine sử dụng để tiêu diệt xe tăng Nga.
Trong khi đó, UAV Watchkeeper do quân đội Anh vận hành có giá hàng triệu bảng Anh nhưng được trang bị các biện pháp đối phó tác chiến điện tử.
Hamish de Bretton-Gordon – một cựu chỉ huy NATO - nói: "Đó là một vấn đề nan giải và chỉ có người Ukraine mới trả lời được rằng liệu tốt hơn là họ có thể mất 50% số máy bay không người lái trị giá 500 USD hay thực hiện bước tiếp theo, tốn kém hơn rất nhiều để ngăn chặn điều đó."
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này tuyên bố rằng, Ukraine sẽ tìm cách sản xuất 1 triệu máy bay không người lái cho các nỗ lực chiến tranh của mình.
Theo Telegraph, thiết bị công nghệ đứng đầu danh sách mua sắm của quân đội Ukraine, với lời cảnh báo một tướng lĩnh hàng đầu của nước này rằng, nếu lực lượng của họ không có trang thiết bị mới, Nga sẽ có thể "biến bất kỳ thành phố nào thành một Bakhmut khác trong vài tháng tới".
Mỹ cáo buộc những 'con tàu ma' tại cảng Triều Tiên vừa hoạt động trở lại, Ukraine lâm nguy