Trong thập kì đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được đánh giá cao bởi khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế.
Ngoài ra, Erdogan cũng "làm hòa" được với nhiều quốc gia láng giềng, và lấy đó làm đà thúc đẩy một nền kinh tế năng động, với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng gấp 4 lần (36 tỉ USD -> 152 tỉ USD) so với 10 năm trước đó.
Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi trong vài năm trở lại đây. Hục hặc với các nước láng giềng đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu năm 2015 giảm xuống còn 144 tỉ USD.
Chính phủ Ankara dự kiến kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 sẽ đạt 155,5 tỉ USD. Song, với những số liệu thu được từ 4 tháng đầu năm nay, mục tiêu này có lẽ chỉ là "mơ mộng hão huyền". Theo Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM), kim ngạch xuất khẩu tháng 1-4/2016 giảm 8,4% so với cùng kì năm ngoái.
Một trong những lý do của sự sụt giảm này là việc nông dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa tìm được một thị trường xuất khẩu ổn định để thay thế Nga, sau khi Moscow áp đặt lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ Su-24 bị bắn hạ.
Cam Thổ Nhĩ Kỳ không còn được đến với "bến đỗ ưa thích" Nga kể từ sau lệnh trừng phạt. Ảnh: Sputnik
Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một điểm sáng, giúp họ chống chịu hậu quả từ lệnh trừng phạt của Nga nói riêng và tác động tiêu cực từ các mối quan hệ rạn nứt với láng giềng nói chung.
---
Trong 4 tháng đầu năm 2016, số liệu của TIM cho thấy kim ngạch xuất khẩu của các công ty sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt 556 triệu USD, tăng 23% so với cùng kì năm ngoái.
"Chúng tôi dự kiến sẽ vượt mức 2 tỉ USD trong năm nay, đạt mức kỉ lục" - Hội trưởng Hội các nhà xuất khẩu ngành Quốc phòng và Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, ông Latif Aral, phát biểu với phóng viên al-Monitor.
Trong 5 năm qua, "thu hoạch" từ xuất khẩu vũ khí đã tăng gấp đôi, từ 800 triệu USD lên đến 1,6 tỉ USD.
"Ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các mặt hàng và dịch vụ đa dạng, từ giày lính đến các hệ thống vệ tinh công nghệ cao.
Đầu tư vào ngành này đã làm đa dạng hóa các mặt hàng, nhờ vậy mà nhóm mặt hàng nhỏ nào cũng có các mặt hàng xuất khẩu tương ứng. Nhờ lợi thế đa dạng như vậy, chúng tôi đã dễ dàng thâm nhập được nhiều thị trường mới" - ông Aral tranh thủ "khoe".
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 7 thế giới, và đứng thứ 16 về xuất khẩu (tính theo đơn đặt hàng). Dù vẫn là nước nhập siêu về vũ khí, song nếu so với thời đầu những năm 2000, bộ mặt ngành công nghiệp quốc phòng Ankara đã đổi thay hoàn toàn.
Tuần trước, trong buổi lễ khởi công đóng tàu TGC Anadolu, tàu tấn công đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã từng phát biểu: "Ngành quốc phòng từ chỗ phải phụ thuộc tới 80% vào nhập khẩu năm 2002, nay đã giảm xuống chỉ còn 40%.
Mục tiêu của chúng ta là đưa con số này xuống 0% vào thời điểm kỉ niệm 100 năm lập quốc (tức năm 2023 - PV). Chúng ta sẽ không chỉ đáp ứng được nhu cầu của chính mình, mà còn trở thành nhà cung cấp chính cho các nước bạn, cho các dân tộc anh em".
Ông Erdogan dự lễ khởi công đóng tàu TGC Anadolu. Ảnh: HaberTurk
Sự thay đổi này xuất phát từ một chiến lược hết sức đơn giản mà hiệu quả: thay vì mua vũ khí, người Thổ tự sản xuất tại gia nếu có thể, hoặc không thì đề nghị hợp tác sản xuất để đảm bảo tiếp thu được công nghệ.
Một ví dụ cụ thể, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay với đồng nghiệp Italia để chế tạo trực thăng tấn công, cùng phía Tây Ban Nha sản xuất máy bay chở hàng và tàu TGC Anadolu nói trên, đồng thời đã liên hệ với các đối tác Mỹ và EU để hợp tác sản xuất các hệ thống phòng không.
Ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ thủy một tàu chiến tự sản xuất, và đang chuẩn bị đưa vào thực chiến một chiếc xe tăng chủ lực (MBT). Một khẩu súng trường "của nhà trồng được" cùng một chiếc máy bay không người lái cũng đã qua giai đoạn thử nghiệm và đang được trưng bày tại các triển lãm quốc tế.
Các số liệu cho thấy Mỹ đang đứng đầu danh sách khách hàng của ngành xuất khẩu vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ, giúp Ankara thu về 500 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại nhập khẩu tới 1,5 tỉ USD tiền vũ khí từ Mỹ.
Tình trạng nhập siêu cũng tồn tại trong hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây khác như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Theo thống kê của TIM, trong năm 2015, các đồng minh NATO nói trên chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng là những nhà cung cấp vũ khí chính của nước này.
Đứng thứ hai trong danh sách các "khách sộp" của Ankara là Azerbaijan, Pakistan, và các nước cộng hòa vùng Trung Á. Do vị trí địa lý nặng tính giao tranh, các nước này chi khá nhiều cho vũ khí, và thường chuộng hàng Thổ hơn hàng Tây vì yếu tố giá cả.
Trong khi đó, căng thẳng hậu Mùa xuân Arab cũng góp phần giúp vũ khí Thổ "đắt hàng" tại các thị trường Trung Đông và Bắc Phi. Saudi Arabia, UAE, và Lebanon đang đứng đầu danh sách khách hàng tại Trung Đông, còn Tunisia là bạn hàng lớn nhất của Ankara tại Bắc Phi.
Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm qua tại các thị trường Trung Đông và Bắc Phi, theo số liệu của TIM (đơn vị: triệu USD)
Các doanh nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nhắm tới mở rộng thị trường châu Phi. Theo số liệu của TIM, đã có rất nhiều đơn đặt hàng đáng chú ý đến từ các nước như Rwanda, Nigeria, Djibouti, và Kenya, song các nhà chức trách Ankara vẫn giữ khá kín thông tin về chúng.
Gần đây, số lượng lãnh đạo các tập đoàn sản xuất vũ khí tháp tùng Erdogan trong các chuyến công du nước ngoài đang ngày càng tăng.
Những mối quan hệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang mở đường cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này thâm nhập nhiều thị trường mới, qua đó trở thành "phao cứu sinh" cho kinh tế nước này.
Tuy nhiên, cũng chưa rõ liệu tận dụng giao tranh để kiếm tiền từ bán vũ khí có phải một liều thuốc hữu hiệu cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu so với phát triển trong hòa bình.