Vì đối tác "hữu nghị lâu năm", Nhật sẽ quay lưng với Mỹ?

Thùy Trang |

Liên minh Mỹ-Nhật bắt đầu có những dấu hiệu theo đuổi các mục tiêu khác nhau liên quan tới Iran.

Không trực tiếp tham gia vào Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thường được biết tới với cái tên "thỏa thuận hạt nhân Iran", Nhật Bản vẫn đóng một vai trò quan trọng đưa Iran đến bàn đàm phán cũng như trong giai đoạn thực thi hiện nay.

Tuy nhiên, phối hợp nhuần nhuyễn với đồng minh là Mỹ và cộng đồng quốc tế nhằm theo đuổi nguyên tắc ngăn chặn phổ biến hạt nhân và các mục tiêu lớn khác, Nhật đã phải trả giá về mặt kinh tế.

Vì lẽ đó, JCPOA, theo tác giả McKenzie và Ossoff, là minh chứng sáng rõ của quan hệ hợp tác Mỹ-Nhật trên mặt trận hạt nhân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh JCPOA sắp tròn một tuổi vào tháng Bảy tới đây, mối quan tâm của Mỹ và Nhật bắt đầu có ít nhiều dấu hiệu khác biệt. Trong khi Nhật tăng cường đầu tư vào ngành năng lượng Iran, Mỹ lại lục đục với quốc gia này về vấn đề liên quan đến hạt nhân.

Vậy quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng được củng cố với Iran ảnh hưởng thế nào đến liên minh Nhật-Mỹ?

Trong tuyên bố chính thức liên quan đến JCPOA, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida đã nhắc tới "tình hợp tác thân thiện xuyên suốt chiều dài lịch sử giữa Nhật và Iran".


Nhật xem Iran là một đối tác hữu nghị lâu năm. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Iran.

Nhật xem Iran là một đối tác "hữu nghị lâu năm". Ảnh: Văn phòng Tổng thống Iran.

Trước khi có lệnh trừng phạt của LHQ, các tập đoàn Nhật là chủ nhân của nhiều khoản đầu tư lớn tại Iran. Là một nước nghèo tài nguyên với tỉ trọng nhập khẩu dầu thô chiếm tới 40% nguồn năng lượng, nhiều thập kỷ nay, Nhật Bản đã phải phụ thuộc khá nhiều vào Iran.

Năm 2010, Tehran cung cấp xấp xỉ 10% lượng dầu nhập khẩu tại Nhật. Con số này còn tăng lên do thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 và cuộc khủng hoảng năng lượng theo sau nó.

Dù vậy, Nhật vẫn xếp cơn khủng hoảng năng lượng và "tình hữu nghị lâu năm" với Iran sang một bên để góp sức vào lệnh trừng phạt của Mỹ năm 2012 bằng việc giảm khối lượng dầu nhập khẩu từ Iran tới 80%, một động thái hẳn đã góp phần gây áp lực ép Iran ngồi xuống bàn đám phán.

Nay khi JCPOA được thực hiện, Nhật cũng gỡ bỏ lệnh trừng phạt và tăng cường nhập dầu từ Iran trở lại. Ngày 5/2, hai nước đã kí một hiệp định đầu tư song phương, hứa hẹn một khoản tiền lên tới 10 tỷ USD từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản, được bảo lãnh bởi Nippon Export và Investment Insurance (Bảo hiểm đầu tư) - những cánh tay đắc lực của chính phủ Nhật.

Với 65% khối lượng dầu nhập khẩu đến từ Saudi Arabia và UAE, Iran là cơ hội để Nhật Bản đa dạng hóa nguồn năng lượng của mình. Về phía Tehran, nơi vẫn đang hồi phục sau lệnh trừng phạt, Nhật sẽ là tác nhân góp phần giúp quốc gia này chấn hưng nền kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ tới Tehran mùa hè này, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Nhật Bản đến Iran trong vòng 38 năm.

Trái với mối quan hệ nồng ấm trên, tại Washington, có lẽ chẳng ai gọi quan hệ Mỹ-Iran là "hữu nghị".

Hiện nay, Mỹ đang đứng trước áp lực duy trì lệnh trừng phạt với Iran do chương trình tên lửa, bên cạnh việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và vi phạm nhân quyền tại đây. Hơn hết, Washington hoàn toàn có thể đơn phương áp đặt lại lệnh trừng phạt của LHQ liên quan tới chương trình hạt nhân Iran.


Vì những hành động mang tính khiêu khích từ phía Tehran, chẳng ai có thể gọi quan hệ Mỹ-Iran là thân thiện. Ảnh: AP

Vì những hành động mang tính khiêu khích từ phía Tehran, chẳng ai có thể gọi quan hệ Mỹ-Iran là "thân thiện". Ảnh: AP

Chính phủ tiếp theo của Mỹ, đặc biệt là chính phủ từng phản đối JCPOA vì mục tiêu chính trị, có thể dùng bất cứ động thái nào, dù là nhỏ nhất, làm cái cớ để trừng phạt Iran.

Vì những lý do kể trên, Nhật Bản hẳn sẽ phải cẩn trọng hơn khi phản ứng với các vi phạm từ phía Iran. Một khi những lợi ích kinh tế của Tokyo lại quay về gắn chặt với Tehran, có lẽ việc thuyết phục Nhật tham gia vào lệnh trừng phạt mới sẽ ít nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là nếu quốc gia này tin rằng quan điểm từ phía Washington đơn thuẩn chỉ bắt nguồn từ mục đích chính trị.

Sự ủng hộ của Nhật Bản đóng vai trò quyết định giúp Mỹ giành sự ủng hộ quốc tế cho các lệnh trừng phạt. Nghi ngờ từ chính đồng minh thân cận sẽ khiến mọi cáo buộc từ phía Washington không còn độ tin cậy cần thiết, tác giả McKenzie và Ossoff nhận định trên The Diplomat.

Hơn nữa, dù có điều khoản cho phép Mỹ đơn phương tái thiết lập lệnh trừng phạt của LHQ, việc có tham gia vào lệnh trừng phạt đó hay không lại tùy thuộc vào các nước. Thiếu đi sự chung tay góp sức của Nhật, "ông lớn" trong ngành dầu và khí đốt của Iran, mọi lệnh trừng phạt mới của Mỹ hẳn sẽ mất đi nhiều sức nặng.


Dù có những mâu thuẫn về lợi ích, Nhật vẫn luôn chứng tỏ là một đồng minh đắc lực của Mỹ trên mặt trận hạt nhân. Ảnh: Reuters

Dù có những mâu thuẫn về lợi ích, Nhật vẫn luôn chứng tỏ là một đồng minh đắc lực của Mỹ trên mặt trận hạt nhân. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không nên xem mối quan hệ Nhật-Iran là rào cản đối với việc thực thi thỏa thuận hạt nhân. Xét cho cùng, chẳng phải Nhật đã hi sinh lợi ích kinh tế quốc gia vì liên minh Mỹ-Nhật vào năm 2012 đó sao?

Bên cạnh đó, chính mối lo ngại liên quan tới hợp tác kinh tế với Nhật có lẽ sẽ khiến Iran phải tính toán kỹ lưỡng hơn trước khi thách thức những giới hạn của JCPOA.

Cuối cùng, Nhật-Mỹ phải thống nhất về những tiêu chuẩn áp đặt lệnh trừng phạt. Tất nhiên, việc này không thể công khai rộng rãi, bởi chính sự mập mờ mới có thể ngăn Iran tìm ra lỗ hổng cũng như kiềm chế hành động của đất nước này, không phải một khuôn khổ pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh thân cận vẫn phải tìm được tiếng nói chung, phần để "dằn mặt" Iran về cái giá phải trả nếu vi phạm thỏa thuận, phần để duy trì sức mạnh của liên minh hai nước.

Đặc biệt, những tiêu chuẩn trên phải được nêu rõ dưới hình thức một hiệp định song phương chính thức hoặc phi chính thức trước khi Tổng thống mới tiến vào Nhà Trắng.

Dù khó có thể ngăn Tổng thống tiếp theo phá hoại thỏa thuận hạt nhân, hiệp định đó chắc chắn mang tới thêm những hệ quả khiến chính phủ Mỹ phải cân nhắc trước khi hành động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại