Vụ hỏa hoạn giữa bối cảnh biểu tình
Mấy ngày đã qua từ vụ hoả hoạn làm hư hại mái nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris, nước Pháp dường như vẫn chưa qua cú sốc, chưa hết bàng hoàng và chưa nguôi tiếc nuối.
Cũng dễ hiểu thôi bởi ngôi nhà thờ này là "trái tim trong trái tim của nước Pháp", là một phần linh hồn và bản sắc của nước Pháp, một trong những biểu tượng đặc trưng nhất về nhiều phương diện cho nước Pháp.
Ở phía trước nhà thờ này có mốc ki lô mét số 0 - rất có thể với hàm ý nhà thờ là một cội nguồn của nước Pháp về lịch sử, văn hoá và tín ngưỡng. Không có hiện tại và tương lai nào không có cội nguồn.
Vụ hoả hoạn xảy ra khi nước Pháp và đặc biệt thủ đô Paris chìm đắm trong biểu tình phản đối cả hoà bình, lẫn bạo lực của một bộ phận dân chúng, khi nội bộ chính trường và xã hội bị phân cực sâu sắc chưa từng thấy trong lịch sử cận đại của nước Pháp, khi đất nước này phải trực diện quá nhiều vấn đề mà bế tắc ý tưởng giải pháp và khi Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron bị sa sút tín nhiệm trong cử tri.
Hào khí về sự khởi đầu mới cho nước Pháp được khởi xướng bằng phong trào "Lên đường" của ông Macron như ngọn lửa nguội dần và chính vị tổng thống này như thế đang cần xác định lại sứ mệnh của mình, phát hiện lại chính mình và tự khẳng định mình.
Cuộc biểu tình Áo vàng chưa dừng lại ở Pháp. Ảnh: Reuters
Với ý tưởng khuấy động cuộc tranh luận trên khắp đất nước về giải pháp cho những vấn đề mà nước Pháp đang phải giải quyết, ông Macron đã khôn khéo trả lời làn sóng biểu tình phản đối của lực lượng "Áo ghi lê vàng" bằng cách biểu thị thái độ cầu thị và gần dân, bằng cách lắng nghe và tiếp thu, bằng cách đi sâu đi sát chứ không quan cách và xa rời thực tế.
Kết quả của những chuyến đi dọc ngang nước Pháp và gặp gỡ, trao đổi với người dân được ông Macron dự định trình bày trong một bài phát biểu trên truyền hình như thể bản tuyên ngôn cho nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại, như thể một sự khởi đầu mới với những tuyên cáo về chính sách lớn mới như giảm thuế cho người dân có thu nhập thấp và một bộ phận dân chúng có thu nhập trung bình, như tăng lương hưu...
Vụ hoả hoạn đã đưa tại tình huống hoàn toàn mới cho nước Pháp và tình thế hoàn toàn khác cho ông Macron.
Macron xoay chuyển tình thế?
Ông Macron đã thể hiện sự nhạy bén và mẫn cảm về chính trị đối nội như người tiền nhiệm là Francois Hollande sau vụ khủng bố năm 2015 hay Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Rudolph Giuliani sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 hoặc mới đây nhất Thủ tướng NewZealand Jazinca Adern sau vụ nổ súng ở thành phố Christchurch.
Vụ hoả hoạn là cơ hội để ông Macron thống nhất nội bộ chính trường và xã hội nước Pháp, để thể hiện khả năng và bản lĩnh lãnh đạo đất nước, để làm câm lặng những phê bình và chê trách, để hạ hoả mức độ biểu tình phản đối.
Ông Macron phản ứng nhanh trong vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Reuters
Vấn đề đặt ra cho ông Macron không chỉ có là phải hành động kịp thời, mà còn phải hành động đúng, phải tỏ ra thành thật chứ không diễn, bởi khoảng cách giữa thuyết phục và chinh phục với mị dân và giả dối trong những trường hợp khủng hoảng như thế này rất mong manh.
Trong khi người dân Pháp chỉ quan tâm đến vụ hoả hoạn thì tổng thống và chính phủ phải gạt bỏ tất cả mọi chuyện khác để tập trung vào cùng chủ đề này.
Ông Macron cùng vợ đến hiện trường rất sớm và ngay tại đó đã tuyên cáo là sẽ khôi phục nhà thờ. Không còn bài phát biểu trên truyền hình nữa. Không còn vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu nữa. Không đề cập gì đến những hoạt động biểu tình phản đối nữa.
Ông Macron tiếp và vinh danh những người lính cứu hoả. Ông Macron tuyên bố và phát biểu, xuất hiện trên truyền hình và trả lời phỏng vấn... Và người này xoay chuyển được tình thế.
Cho tới nay, tất cả những gì ông Macron đã làm liên quan đến vụ hoả hoạn này đều rất đúng và thích hợp. Tai hoạ đã làm nước Pháp đoàn kết thống nhất. Nhưng những vấn đề đang đặt ra đòi hỏi nước Pháp, chính phủ Pháp và ông Macron giải quyết không vì thế mà tự được giải quyết, càng không vì thế mà biến mất.
Ông Macron không thể tận lợi được mãi từ chủ đề nội dung này mà đúng ra phải tận dụng tình trạng hiện tại của nước Pháp để thực hiện cương lĩnh cầm quyền của mình. Chỉ như thế thì ông Macron mới không rơi vào tình huống như ông Hollande - là rồi sau đấy nhanh chóng bị sa sút uy tín đến mức không dám ra tái ứng cử tổng thống lần nữa ở Pháp.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.