Vụ giết người phủ bóng đen quan hệ Nga - Đức

Anh Tú |

Đầu tuần này, lãnh đạo Nga - Đức gặp nhau tại Paris. Nhưng bên cạnh cái bắt tay là thái độ khá lạnh nhạt mà một phần nguyên nhân liên quan đến vụ Berlin cáo buộc Moscow đứng đằng sau một vụ giết người trên đất Đức.

Vào mùa hè năm 2013, doanh nhân người Nga Albert Nazranov trông thấy một gã đạp xe về phía mình rồi một cuộc va chạm chớp nhoáng xảy ra sau đó. Kẻ giết người đã bắn vào đầu và người Nazranov ở cự ly gần rồi y đạp xe tẩu thoát. Tất cả chi tiết đó có thể được xem lại trong các đoạn phim giám sát tội phạm.

Vào mùa hè năm 2019, một kẻ giết người cũng đạp xe về phía mục tiêu, chỉ khác là lần này ở Berlin. Y bắn Zensonkhan Khangoshvili, một người Georgia, vào đầu và người ở cự ly gần, trước khi chuồn đi. Đó là cảnh tượng mà các nhân chứng mô tả.

Báo cáo của Der Spiegel, The Insider và Trung tâm Hồ sơ cho thấy rằng không chỉ hai vụ giết người rất giống nhau mà nhiều khả năng cùng bởi một người thực hiện. So sánh pháp y từ hai hình ảnh thủ phạm cho thấy sự tương đồng rõ ràng. Người đàn ông mang hộ chiếu mang tên Vadim Sokolov ở Berlin thực ra là một người Nga có tên Vadim Krasikov, kẻ được cho là thủ phạm giết người ở Moscow.

Người đứng đầu cơ quan công tố liên bang Đức Peter Frank hiện đã nhận trách nhiệm điều tra vụ án giết người Berlin ở cấp liên bang bởi vì theo ông, chúng có "tầm quan trọng đặc biệt". Người đứng đầu viện công tố của Đức tin rằng các cơ quan chính phủ Nga đã cố tình cấp danh tính mới cho Krasikov, một giả định dựa trên thực tế rằng Moscow đã thực hiện bước đáng ngạc nhiên vào năm 2015 về việc thu hồi lệnh khám xét quốc tế đối với Krasikov và cấp chứng minh thư mới cho anh ta với tên "Vadim Sokolov" sau đó một thời gian ngắn. Nó không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Văn phòng Công tố Liên bang Đức đang cáo buộc chính phủ Nga hoặc một trong những đơn vị cấp dưới của họ đã sát hại Khangoshvili vào cuối tháng 8. Báo chí Đức đã liên hệ vụ này với vụ tương tự đã xảy ra ở Vương quốc Anh năm ngoái khi London cáo buộc cơ quan tình báo quân đội Nga GRU đã tiến hành một cuộc tấn công vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông bằng cách sử dụng chất độc thần kinh Novichok của Nga. Vụ ở Anh đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao quốc tế khi 29 quốc gia đã trục xuất 146 nhà ngoại giao Nga để hưởng ứng cáo buộc tội ác trên. Berlin cũng trục xuất bốn đại diện của Nga rời khỏi Đức.

Bất chấp những điểm tương đồng, các quan chức ở Berlin dường như đang vật lộn để đưa ra phản ứng chính trị đối với vụ sát hại Khangoshvili. Trong suốt một thời gian, các quan chức cho biết bằng chứng trong vụ án rất không rõ ràng. Họ lập luận rằng thủ phạm có thể chi tiền làm giấy tờ giả ở Nga nên không thể vì thế mà tự động cáo buộc chính phủ Nga đã tham gia vụ việc.

Nhưng thứ Tư tuần trước, khi viện công tố liên bang Đức tiếp quản vụ án, chính phủ ở Berlin cũng đã có bước đi cứng rắn hơn. Họ thông qua Bộ Ngoại giao đã ra lệnh cho trục xuất 2 tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nga. Cả hai đều bị các cơ quan an ninh Đức cho là thành viên của cơ quan tình báo GRU.

Bộ Ngoại giao biện minh cho quyết định này bằng cách nói rằng sự hợp tác của chính quyền Nga là "không đầy đủ". "Chúng tôi xem các vụ trục xuất là một thông điệp rất mạnh mẽ cho phía Nga để cung cấp cho chúng tôi sự hỗ trợ ngay lập tức và toàn diện trong việc làm rõ danh tính và lý lịch của thủ phạm bị cáo buộc", Helge Braun, Chánh văn phòng Thủ tướng nói.

Trả lời câu hỏi về vụ án tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước tại London, Thủ tướng Merkel tuyên bố: "Chúng tôi đã thực hiện hành động vì chúng tôi chưa thấy sự hỗ trợ của Nga trong việc giúp chúng tôi giải quyết vụ giết người này". Bà Merkel cũng đã bỏ ngỏ khả năng bà sẽ giải quyết vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh về Ukraine ở Paris tuần này.

Chính phủ Berlin muốn đợi cho đến khi các cuộc điều tra tiếp tục tiến hành rồi mới xem xét liệu có nên có hành động trừng phạt tiếp theo đối với Moscow hay không. Từ hậu quả của vụ án Skripal, các quan chức trong nội các Đức vẫn dè chừng khi cân nhắc những rủi ro chính sách đối ngoại trong vụ giết Khangoshvili. Nhưng bằng chứng rất mạnh mẽ trong vụ Khangoshvili và có nhiều ý kiến ​​cho rằng động cơ giết người vì lý do chính trị khiến dư luận châu Âu không thể làm ngơ.

Trở lại vụ việc ngày 23.8, bầu trời Berlin khi đó có màu xanh trong, ngay trước buổi trưa, Khangoshvili đang trên đường tới nhà thờ Hồi giáo và anh băng qua Kleiner Tiergarten, một công viên ở quận Moabit của Berlin. Các nhà điều tra tin chắc rằng người đàn ông Georgia kể trên đã bị theo dõi và kẻ giết người biết con đường anh ta sẽ đi qua.

Khi mọi người đang tận hưởng ánh mặt trời trong công viên thì một người đàn ông đi chiếc xe đạp leo núi màu đen lại gần Khangoshvili và đột ngột bắt đầu nổ súng (lúc 11:58 trưa). Hai viên đạn được bắn ra từ khẩu súng lục giảm thanh 9mm đã ghim vào đầu Khangoshvili.

Kẻ nổ súng sau đó chạy trốn bằng xe đạp, bị vấp ngã và bị thương ở chân, trước khi băng một đoạn về phía nam phía bờ sông Spree, nơi y thay quần áo trong bụi rậm. Hắn ta gói quần áo và khẩu súng ngắn vào một cái túi và ném xuống sông ở cầu Lessing. Y cũng ném chiếc xe đạp xuống sông cũng như bộ tóc giả và dao cạo mà y có thể dùng để cạo bộ râu của mình.

Y tiếp tục cuộc tẩu thoát trên một chiếc xe được mua từ trước chứ không phải được thuê. Thủ phạm có lẽ đã thành công trong việc trốn thoát nếu không có hai thiếu niên tình cờ ở bên bờ sông và nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng. Họ theo dõi khi thấy một người đàn ông hối hả “lột xác” bản thân và gọi cảnh sát. Nhờ vậy, cảnh sát sau đó đã bắt giữ nghi phạm tại một nhà ga gần đó. Một trong những chiếc túi của hắn ta chứa một loại bột được có tác dụng vô hiệu hóa chó đánh hơi nhằm giúp việc tẩu thoát dễ dàng hơn. Chuyến bay trở về Nga của y cũng đã được đặt sẵn. Nghi phạm đã phủ nhận những lời buộc tội chống lại y tại tòa và dùng quyền giữ im lặng kể từ đó.

Kỳ sau: Vì sao Đức cho rằng tình báo Nga đứng sau?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại