Cô Pooja Bohara bị kéo vào một nhà tắm và cưỡng hiếp tập thể vào năm 2012 khi mới 14 tuổi. Đây là vụ án tốn nhiều giấy mực và gây rúng động một thời ở Nepal.
Đến ngày 24-10, Tòa án Tối cao kết luận 2 người đàn ông phạm tội hiếp dâm tập thể, 4 năm sau khi một phiên tòa cấp dưới tha bổng cho hai nghi phạm với lý do thiếu bằng chứng.
Hai gã đàn ông đang đối mặt với án tù lên tới 19 năm nhưng cô Bohara, người bị chính một số họ hàng tẩy chay và kỳ thị vì báo cáo vụ tấn công, cho rằng bản án trên vẫn chưa đủ để thực thi công lý.
"Chẳng lẽ chỉ việc tống 2 gã đó vào tù là tôi đòi được công bằng rồi sao? Tôi nên nhận được một khoản bồi thường nữa" - cô Bohara nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Reuters.
Cô Pooja Bohara cuối cùng cũng đòi được công lý sau 7 năm. Ảnh: Reuters
Cô Bohara rời khỏi ngôi làng nằm ở khu vực hẻo lánh thuộc miền Tây Nepal sau vụ tấn công và tìm đến tổ chức từ thiện Raksha Nepal, nơi giúp đỡ những cô gái và những người phụ nữ bị tấn công tình dục.
Sau đó, cô đăng ký học ngành luật với mong muốn trở thành một thẩm phán để giúp những nạn nhân khác giành được công lý. Năm nay là năm học cuối của cô gái kiên cường.
Bà Menuka Thapa, người đứng đầu Raksha Nepal, cho biết cô Bohara được bồi thường sau khi những kẻ tấn công bị kết án lần đầu tiên nhưng số tiền này bị giữ lại khi họ kháng cáo.
Bà Thapa tỏ ra vui mừng trước phán quyết của Tòa án Tối cao vì nó cho thấy Nepal vẫn có "luật pháp".
"Điều này thắp lên hy vọng rằng ngay cả những nạn nhân nghèo khổ và bình thường như Pooja vẫn có thể tìm được công lý" - bà Thapa nói thêm.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền, trung bình mỗi ngày có 3 vụ cưỡng hiếp được báo cáo ở Nepal nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trong những năm gần đây, sự chú ý của truyền thông, các cuộc biểu tình của những nhóm xã hội dân sự và sự thay đổi trong một số chính sách đã giúp phụ nữ trở nên can đảm hơn, đồng thời nâng cao nhận thức về quyền lợi của họ.
Hồi đầu tháng 10, Chủ tịch Quốc hội Nepal Krishna Bahadur Mahara đã từ chức vì cáo buộc tấn công tình dục.
Dù vậy, tỷ lệ kết án về những tội ác nhắm vào phụ nữ vẫn ở mức thấp khoảng 5% vì rất nhiều nạn nhân không dám đứng ra làm chứng do lo sợ bị kỳ thị, theo lời bà Thapa.