Vụ cột điện 220KV làm bằng bê tông trộn ... đất: Nhiều động thái khó hiểu

NHÓM PV THỜI SỰ |

Liên quan đến nghi vấn “rút ruột” tại công trình đường dây 220KV đoạn Trực Ninh cắt đường dây 220KV Ninh Bình - Nam Định, chỉ vài giờ sau khi Báo Lao Động đăng bài viết phản ánh, công trường thi công hai móng cột trên địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) đã bị yêu cầu dừng hoạt động để làm rõ các tố cáo tiêu cực. Trong khi các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc thì phía nhà thầu thi công cũng bộc lộ rõ sự sốt ruột. Họ liên tục có những hành động, lời nói khó hiểu với các bên liên quan.

Tạm đình chỉ công tác cán bộ, dừng thi công công trình

Chiều 25.5, chỉ nửa ngày sau khi bài báo phản ánh những tiêu cực tại công trình trọng điểm đường dây 220KV đoạn Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định được đăng tải, công trường thi công hai móng cột trên địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, vốn ồn ã thâu đêm suốt sáng nay bỗng trở lên vắng lặng một cách bất thường.

Những chiếc máy xúc nằm chỏng chơ trên miệng hố, khu vực xây dựng lẫn lán trại dành cho công nhân cũng tịnh không một bóng người.

Đến ngày 26.5, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà 11, đơn vị thi công - tuyên bố đã tạm đình chỉ công việc của trưởng ban chỉ huy công trường và đội trưởng trực tiếp chỉ huy thi công vị trí móng trụ điện để phục vụ điều tra.

Ông Tuấn thông tin thêm, ngay sau khi Báo Lao Động phản ánh thông tin, các cán bộ của PA81 Công an tỉnh Nam Định đã xuống hiện trường, cơ quan an ninh kinh tế của Bộ Công an cũng đã chỉ đạo kiểm tra.

Riêng phía Cty CP Sông Đà 11 cũng đã thành lập ngay đoàn đến công trường xem xét lại toàn bộ quy trình thi công móng trụ cột điện.

Còn ông Đỗ Quang Cường - Giám đốc chi nhánh Cty CP Sông Đà 11.7, đơn vị trực tiếp thi công - cho hay đang rà soát toàn bộ hồ sơ, số liệu các hạng mục kể trên.

Ông nói: Sự việc (nếu có) sẽ “bôi do trát trấu” vào danh dự của ông, bởi ngoài lương tâm của người quá nửa đời làm xây dựng, Nam Định còn chính là quê hương của ông.

“Nếu đúng có sự việc như vậy, chúng tôi sẵn sàng khắc phục hậu quả, đào lên thi công lại” - vị giám đốc chi nhánh Sông Đà 11.7 nói.

Những động thái khó hiểu

Ở một diễn biễn khác, cũng trong chiều 26.5, anh Vũ Ngọc Hồi - chủ nhân chiếc máy trộn bê tông - cùng người anh của mình tiếp tục tái khẳng định sẽ tố cáo tiêu cực đến cùng.

“Chúng tôi người thật việc thật, không có gì phải sợ hãi cả” - anh Hồi nói.

Người đàn ông này cũng cho biết, kể từ khi bài báo được đăng tải đến nay, hai anh đã tiếp khá nhiều đoàn công tác, trong đó có cả những cán bộ thuộc Công an tỉnh Nam Định.

Trả lời về nghi vấn dàn dựng clip bởi lý do mâu thuẫn cá nhân, người đàn ông sinh năm 1974 này cười, khẳng định muốn biết đúng hay sai, chỉ cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra là biết bên dưới móng có đất hay không.

Trong trường hợp được phép, anh sẵn sàng bán cả gia tài để làm rõ trắng đen. “Tôi sẵn sàng bỏ tiền để thuê người về kiểm nghiệm móng công trình” - anh Hồi nói.

Đặc biệt, buổi làm việc với PV tại nhà anh Hồi còn có sự xuất hiện của hai người đàn ông, giới thiệu là cán bộ thuộc Chi nhánh Cty CP Sông Đà 11.7 tên Nguyễn Văn Đương (Chỉ huy trưởng công trình - là người vừa bị đình chỉ công việc - PV) và Vũ Văn Thụy (Giám sát công trình).

Hai người này đã có mặt tại đây từ sáng để gặp gỡ anh em Thuận - Hồi, đồng thời đưa ra một số lời đề nghị.

Theo đó, hai cán bộ xây dựng đã đưa cho anh em anh Hồi một bản thảo viết tay bằng mực xanh trên giấy A4, với nội dung sẽ hỗ trợ hai anh này những ngày công bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, quá trình thương thuyết suốt từ 10h sáng, đến tận thời điểm PV có mặt (khoảng 15h chiều) đã không được chấp thuận.

Liên quan đến chất lượng thi công, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đương cho biết, đối với công trình móng cột thứ 2, trước đó mặc dù công trình đã bị tạm đình chỉ bằng văn bản vì phần cốp-pha chưa đạt nhưng nhóm công nhân vẫn tiến hành thi công chui vào ban đêm.

Nhóm thợ này thuộc đội thi công số 12, do ông Nguyễn Văn Toán làm đội trưởng.

Cũng tại buổi trao đổi này, ông Nguyễn Văn Đương thừa nhận, bản thân ông không có mặt trong những ngày đổ bê tông hai móng cột trên địa phận thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản vì bận... đi công tác.

Còn ông Thụy, mặc dù trong vai trò giám sát, cũng thừa nhận mình không có mặt tại thời điểm đổ bê tông móng cột thứ nhất.

Ông này biện giải rằng, bởi khối lượng công việc ông đảm trách quá nhiều, lại chạy dài trên gần 30km nên không thể lúc nào cũng có mặt được.

Ông Đương tiếp tục cho biết, trên tổng số hơn 30 móng cột đã hoàn thiện, nhiều công trường đã tận dụng lao động địa phương, kể cả trong các khâu quan trọng như trộn, đổ bê tông.

Trước câu hỏi của PV rằng, với sự giám sát lỏng lẻo như đã bị phản ánh, lại sử dụng nhiều lao động địa phương không qua đào tạo, chất lượng công trình toàn hệ thống liệu có đảm bảo, vị chỉ huy công trường không trả lời.

Sau đó, ông này lấy uy tín của Cty để cam đoan những móng cột đã thi công khác trên toàn tuyến hoàn toàn đảm bảo chất lượng.

Nhiều người dân địa phương ủng hộ việc tố cáo.

Theo anh Hồi, kể từ sáng 25.5 đến nay, liên tục có khách đến hỏi thăm, động viên vợ chồng anh tiếp tục tố cáo hành vi sai trái trên của nhà thi công.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Vũ Quỳnh (vợ anh Hồi) cho biết: "Tôi đồng tình với việc làm của chồng tôi. Kể cả phải thế chấp hay bán nhà để tìm ra sự thật thì vợ chồng tôi cũng chấp nhận".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại