Vụ "còng lưng gánh quỹ" ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới

Ngọc Tú |

Chưa kịp mừng khi cuốn sổ công dân đã được huỷ có thể sẽ bỏ nhiều khoản quỹ, phí thì nay người dân lại thêm lo lắng khi nghe thông tin xã sắp ban hành sổ theo dõi mới.

> Mời xem toàn bộ loạt bài "sưu thuế hãi hùng" ở Thanh Hóa TẠI ĐÂY

Bài 1: Sau Thanh Hoá, dân nghèo Nghệ An oằn mình "cõng" loạt quỹ khủng!

Bài 2: Khốn khổ khi người mù, tàn tật, cụ già 80 vẫn còng lưng gánh quỹ

Tiếp tục ban hành sổ theo dõi để công bằng cho mọi người

Xã Nghi Thái đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Tuy nhiên, hiện xã này vẫn còn nợ khoảng 10 tỉ đồng tiền nợ quá trình làm nông thôn mới.

Để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, xã này vận động người dân đóng góp và 1 phần để trả nợ trong quá trình làm nông thôn mới.

Người dân ở xã Nghi Thái chủ yếu làm nghề nông nên cuộc sống vẫn còn bấp bênh, khó khăn. Vì thế khi xã, xóm đề ra hàng chục khoản thu, người dân vẫn thấy "rùng mình" bởi nhiều khoản quá sức đối với họ.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 1.

Cuốn sổ theo dõi được phát cho người dân để chính quyền nắm bắt quá trình thực hiện đóng góp các loại quỹ, phí.

Để có thông tin thêm về những khoản đóng góp mà người dân ở xã Nghi Thái suốt ngày lo ngay ngáy, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An).

Tại buổi làm việc, ông Phương thừa nhận danh sách các khoản thu này được xã và xóm thực hiện. Tuy nhiên, trong đó có một số khoản thu do huyện chỉ đạo, một số khoản do xã lập đề án thu và còn lại các khoản khác do xóm tự bàn bạc với người dân để thu.

"Xã chỉ được thu 3 khoản gồm dóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng 200 nghìn đồng/1 nhân khẩu. Thêm 2 loại quỹ văn hoá xã hội và quỹ phụng dưỡng nguời cao tuổi với lần lượt 10 nghìn đồng và 20 nghìn đồng/1 hộ.

Còn các quỹ an ninh quốc phòng, bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa... đều có trong văn bản hướng dẫn", ông Phương nói và cho biết việc thu các khoản này không đạt nhiều, mỗi năm chỉ đạt khoảng 700 triệu đồng và hiện tại chỉ mới đạt được 38,4%.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 2.

Hàng năm, các hộ dân đều nhận được tờ phương án thu với hàng chục khoản. Nhiều hộ nhân khẩu cao nên mức thu có lúc lên hơn 2 triệu đồng.

Về khoản thu của xóm, ông Phương cho biết hàng năm trong các kỳ đại hội, cán bộ xóm sẽ đưa ra những dự toán thu chi của năm trước đại hội. Sau đó sẽ để dân biểu quyết và vận hành.

"Vấn đề thu này được duy trì từ năm 1996 đến nay. Mỗi năm mỗi kỳ đại hội thì có khoản sẽ tăng hoặc có khoản sẽ giảm.

Những khoản thu của xóm thì xã không có chủ trương hay chỉ đạo", ông Phương khẳng định và cho biết, trong đề án thu có quy định rõ các đối tượng được miễn giảm như đối tượng bảo trợ xã hội, người già trên 60 tuổi và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Theo lời ông Phương là thế, tuy nhiên khi PV dẫn ra bằng chứng về một số đối tượng xã hội tàn tật vẫn không được miễn giảm tiền thì ông Phương cho biết do xóm chưa quyết toán lên nên ông không nắm được.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 3.

Anh Dũng tàn tật từ nhỏ. Hiện một mình anh nuôi đứa con đang còn đi học nên cuộc sống khó khăn, thế nhưng anh vẫn phải đóng hàng loạt loại phí, quỹ của xã và xóm.

Như trường hợp anh Vương Đình Dũng (trú xóm Thái Học) đã được nhắc ở bài trước là người tàn tật từ nhỏ. Vợ mất trong 1 tai nạn nên nay anh Dũng một mình nuôi con còn đi học.

Dù không còn làm được gì ra tiền nhưng mỗi năm, anh Dũng vẫn phải đóng gần triệu đồng tiền quỹ. Do khó khăn nên năm nào anh cũng nợ chính quyền.

Hay là vô lý như trường hợp cụ Nguyễn Thị Lâm (ngoài 80 tuổi; trú xóm Thái Học) ở một mình, nằm trong diện người cao tuổi nhưng vẫn phải đóng tiền quỹ phụng dưỡng người cao tuổi.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 4.

Tờ phiếu thu với danh sách các khoản thu cho thấy sự bất hợp lý đối với cụ Lâm.

"Không rõ ở dưới làm như thế nào mà lại thu sai như thế được. Do xóm chưa quyết toán tiền lên nên tôi cũng chưa nắm được. Họ là những người nằm trong diện được miễn giảm. Tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay để trả lại tiền cho họ.

Còn những hộ ốm đau, bệnh tật cũng sẽ cho kiểm tra lại. Căn cứ tình trạng thực tế, nếu đúng, có bệnh án sẽ được miễn giảm", ông Phương khẳng định.

Nói về vấn đề người dân phản ánh việc không đóng đầy đủ các khoản sẽ bị từ chối khi lên xã giao dịch, ông Phương thừa nhận chuyện này có thật, nhưng chỉ từ chối giao dịch về việc vay ngân hàng và chứng từ đất đai. Còn các giao dịch khác không bao giờ từ chối.

Riêng việc người dân phản ánh bị "bêu tên" trên loa nếu chưa có tiền đóng kịp, ông Phương cho biết đây chỉ là đọc tên để mời lên đóng góp.

Cũng theo ông Phương, cuối năm 2015 vừa qua, cuốn sổ theo dõi công dân của xã đã hết hạn và bãi bỏ. Tuy nhiên, trong cuộc họp hội đồng nhân dân vừa rồi có bàn và sẽ tiến hành mở lại sổ theo dõi mới.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 5.

Trong tờ phương án thu hàng năm của hộ anh Dũng luôn có một cột ghi khoản nợ của những năm trước.

Ông Phương cho biết, khi bàn luận chuỵện mở sổ theo dõi mới, một số cử tri phản ứng không đồng tình vì ràng buộc và gây phiền hà cho người dân.

Tuy nhiên, ông Phương cho biết một số đông người dân lại đồng tình vì để đảm bảo quyền lợi, công bằng mỗi người trong các khoản đóng góp.

"Họ cũng bức xúc bởi nhiều nơi dân đóng tiền đầy đủ. Có nơi dù không nghèo, mới mua ô tô hẳn hoi nhưng vẫn không đóng tiền, nợ nhiều năm. Trong khi đó, mọi quyền lợi họ đều được hưởng như nhau", ông Phương lý giải chuyện sẽ mở sổ theo dõi mới.

Sẽ thanh tra toàn bộ và chấn chỉnh, đối mới cách thu

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phương cho biết do mới lên làm chủ tịch xã chưa đầy 1 năm nên ông chưa thể đổi mới được những cách thu, khoản thu và vẫn còn nhiều tồn đọng khác nữa.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 6.

Do nhiều năm không đóng nên hộ ông Sửu bị ghi nợ cũ. Cộng các khoản cần đòng góp, số tiền năm nay ông Sửu cần đóng đã lên đến gần 10 triệu đồng.

Ông Phương khẳng định trong kỳ họp tới đây, ông sẽ bàn và đổi mới toàn bộ để tránh những trường hợp như vừa rồi.

"Có đợt tôi đã nói các xóm thu nhiều khoản nên xem lại chứ việc thu như thế là không được. Sau họ báo cáo lên chuyện kinh phí hoạt động của xã hỗ trợ về thì không có. Trong khi xóm nhiều việc, thăm nom người ốm, hiếu hỉ nên cũng khó.

Trong đợt họp hội đồng vừa rồi tôi cũng đã có ý kiến đợt này tôi sẽ đổi mới. Tôi sẽ bàn với lãnh đạo uỷ ban, xin ý kiến và thay đổi 2 vấn đề.

Đợt này quyết toán các khoản thu từ xóm, tôi sẽ chốt sổ lại và mời các thành phần liên quan để cùng thanh tra toàn diện các khoản thu, kể cả khoản thu của xã hay của xóm. Chuyện thu sai, thu nhầm đối tượng sẽ kiểm tra lại toàn bộ và trả ngay cho họ.

Sang kỳ họp tới, nếu cử tri đồng ý thì sẽ miễn giảm cho trẻ 6 tuổi trở xuống thay vì 3 tuổi như hiện nay.

Vấn đề thứ 2 là đổi mới cách thu. Sau khi bàn bạc trình phương án sẽ lên danh sách các khoản thu rồi thông báo xuống cho dân kiểm tra, tham khảo.

Trong đó sẽ nói rõ đối tượng nào thu hay miễn giảm", ông Phương nói và cho biết sau khi gửi cho người dân tham khảo những phương án thu, xã sẽ thông báo 1 ngày cố định để ban tài chính xã trực tiếp xuống xóm để thu tiền.

Vụ còng lưng gánh quỹ ở Nghệ An: Xã sắp có sổ theo dõi mới - Ảnh 7.

Nhiều người dân ở xã Nghi Thái thực sự lo lắng và đôi khi là "rùng mình" bởi nhiều khoản thu của xóm, xã.

"Chuyện đóng góp này chỉ vận động chứ không hề ép buộc. Hiện tôi đã giao cho cán bộ xã, dù người dân đóng tiền hay chưa thì vẫn làm giao dịch cho họ. Nếu hộ nào chưa đóng tiền thì sẽ phê vào sổ là "chưa hoàn thành", ông Phương chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại