> Mời xem toàn bộ loạt bài về "mùa đóng góp kinh hoàng" ở Thanh Hóa TẠI ĐÂY
"Còng lưng" gánh quỹ xóm và xã
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng các xã thu quỹ, phí nhiều và cao là không hiếm. Ở mỗi nơi, các xã, xóm đều có những khoản thu riêng. Nhưng có một điểm chung thì ở các xã này, người dân luôn kêu trời vì "còng lưng" làm không đủ đóng quỹ.
Như tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc, Nghệ An), nhiều năm qua người dân nơi đây được chính quyền xã phát cho 1 cuốn sổ "theo dõi công dân". Trong sổ này ghi danh sách nhân khẩu từng hộ để theo dõi việc đóng các loại quỹ, phí của xã và xóm.
Sổ theo dõi công dân được chính quyền địa phương phát cho dân để nắm bắt quá trình đóng góp các loại quỹ, phí xóm và xã.
Nếu hộ nào đóng đầy đủ các khoản sẽ được "phê" vào sổ là "đã hoàn thành các khoản đóng góp trong năm". Nếu hộ nào chưa hoàn thành sẽ bị ghi không hoàn thành và muốn lên xã giao dịch một số giấy tờ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Được biết, xã Nghi Thái có toàn bộ 11 xóm với tổng cộng gần 2000 hộ, khoảng 9000 nhân khẩu. Trong đó có 84 hộ nghèo.
Xã Nghi Thái về đích nông thôn mới vào năm 2014. Tuy nhiên đến nay, tiền nợ công cho việc xây dựng nông thôn mới còn khoảng 10 tỷ đồng.
Và để trả bớt được số nợ "nông thôn mới" này thì chính quyền đã vận động sự đóng góp của dân với mục đích tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và trong đó có "trả nợ".
Theo tìm hiểu của PV, hàng năm mỗi hộ dân xã Nghi Thái phải đóng lên đến hơn 20 khoản phí, quỹ các loại cho cả xã và xóm.
Quá trình thu các loại quỹ, phí này đều được chính quyền kiểm tra qua cuốn sổ theo dõi công dân của từng hộ.
Tâm sự với chúng tôi về cuốn "sổ đỏ" theo dõi nãy, người dân ở xóm Thái Học chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì họ cho rằng nhiều khoản quá cao và có phần bất hợp lý.
Như hộ anh H.V.L (SN 1975) có 5 nhân khẩu. Ngoài anh và vợ là trong độ tuổi lao động thì 3 đứa con còn rất nhỏ. Thế nhưng, hàng năm các thành viên trong gia đình anh vẫn phải đóng không trừ khoản phí, quỹ nào.
"Năm nào cũng như nhau, gia đình tôi đóng gần 2 triệu đồng. Các khoản phí thì cứ na ná nhau, nhìn vào là hoa hết mắt", anh L. chia sẻ.
Trong tờ thông báo các khoản đóng góp năm 2016 của hộ anh L. chúng tôi đếm sơ sơ cũng đến 24 khoản phí, quỹ. Năm nay, gia đình anh L. với 5 khẩu thì phải đóng tổng cộng 1.597.000 đồng.
Những khoản tiền mà hộ gia đình anh L. phải đóng góp trong năm 2016.
Trong các khoản thu, anh L. cho biết khoản thu nặng nhất là đóng góp cơ sở hạ tầng của xã với 200 nghìn đồng/1 khẩu và khoản đóng góp xây dựng xóm 300 nghìn đồng/1 hộ.
"Đã đóng góp xây dựng xã rồi lại còn đóng góp xây dựng xóm. Nhà tôi trừ đứa bé chưa đủ 3 tuổi thì 4 khẩu phải đóng 800 nghìn đồng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng xã. Rồi thêm 300 nghìn đồng xây dựng xóm nữa", anh L. buồn rầu nói.
Dân mất ăn mất ngủ lo trả "nợ" chính quyền
Ở xóm Thái Học, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống thường ngày khá khó khăn. Ngoài việc xoay xở với tiền sinh hoạt thì người dân lại lo lắng làm sao để trả hết những khoản "nợ" chính quyền.
Nhiều lúc trong nhà không còn một đồng để ăn, nhưng khoản tiền đóng góp cho chính quyền thì luôn được người dân lo lắng đầu tiên. Nếu không có thì họ phải chạy đôn chạy đáo vay mượn để đóng cho đủ.
Bởi họ sợ nếu chưa đóng đủ thì lại suốt ngày bị nhắc tên trên loa phóng thanh của xóm.
Bà Nguyễn Thị Linh (xóm Thái Học) sống 1 mình nhưng vẫn phải đóng hơn 500 nghìn đồng tiền các loại quỹ, phí. Bà Linh cho biết, thời gian trước nếu ai chưa đóng tiền thì suốt ngày bị đọc tên trên loa phóng thanh.
Ngoài nỗi sợ bị nhắc tên trên loa mỗi ngày, người dân còn sợ hãi hơn bởi bị trì hoãn khi lên giao dịch với xã nếu như trong cuốn sổ theo dõi chưa được cấp lệnh: "Đã hoàn thành các khoản đóng góp trong năm".
Nếu muốn việc giao dịch được suôn sẻ thì tất nhiên các hộ dân phải đóng góp đầy đủ các khoản.
Ngoài việc bức xúc vì những khoản quỹ, phí cao thì người dân Thái Học còn bất bình vì nhiều khoản thu bất hợp lý. Bởi không chỉ thu những người ở độ tuổi lao động mà những đứa trẻ mới sinh và cụ già ốm yếu cũng phải đóng nhiều khoản quỹ, phí.
Tờ phương án thu các khoản đóng góp của bà Linh. Trong danh sách các khoản thì nhiều khoản những đứa trẻ mới sinh hay cụ già cũng đều phải "gánh".
Như khoản "thu chế độ gián tiếp cán bộ" với mức thu 20 nghìn đồng/1 khẩu. Theo người dân hiểu, khoản thu này là để "nuôi" cán bộ xóm. Thế nhưng dù là trẻ mới sinh ra hay cụ già thì đều không được bỏ sót.
Choáng với con số khủng trên "giấy ghi nợ" hàng năm
Theo tìm hiểu của PV, ở xóm Thái Học vẫn còn nhiều hộ nghèo, nhiều hộ khó khăn và khó có khả năng đóng đầy đủ các khoản quỹ đóng góp.
Nhiều hộ hàng năm đóng góp không đủ thì lại phải gánh nợ của các năm trước. Nợ cũ cộng nợ mới, số tiền cứ tăng ngày càng cao khiến người dân lại "rùng mình" mỗi lần cầm tờ danh sách các khoản thu cần đóng góp.
Cộng tiền nợ các năm trước chưa đóng cùng nhiều khoản phí chằng chịt, hộ ông Sửu đang nợ gần 10 triệu đồng.
Cầm tờ phương án với danh sách dày đặc các khoản cần đóng góp năm 2016 của hộ ông Nguyễn Văn Sửu (xóm Thái Học) trên tay, chúng tôi cũng phải trố mắt ngạc nhiên bởi số tiền khủng cần đóng đã lên đến gần 10 triệu đồng.
Trong đó, khoản tiền nhiều nhất mà hộ ông Sửu phải đóng góp chính là nợ cũ của 2 năm 2014 và 2015. Nợ cũ cộng nợ mới của năm 2016, gia đình ông đang không biết phải làm sao để thanh toán.
Ông Sửu cho hay, đã 3 năm nay gia đình ông không đóng các khoản phí nào. Một phần vì ông thấy có nhiều khoản thu cao, bất hợp lý. Phần nữa ông Sửu có bức xúc chuyện cá nhân gia đình với chính quyền địa phương.
Văn bản báo cáo vụ việc ông Sửu tố cáo bị cán bộ xóm đập phá hàng rào. Vin vào cớ chưa được giải quyết và đền bù, ông Sửu cũng không đóng các khoản phí, quỹ của xóm và xã trong 3 năm vừa qua.
Ông kể, năm 2013 ông bị một số người và cán bộ xóm đập phá mất dãy hàng rào xây gạch sau nhà. Sau khi làm đơn, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và thẩm định giá trị số tiền bị thiệt hại là hơn 3 triệu 500 nghìn đồng.
Nhiều năm sau, ông Sửu vẫn không được giải quyết và trả tiền thiệt hại. Chính vì thế nên ông Sửu cũng "vin" luôn cớ này để không đóng các loại quỹ, phí của xóm và xã.
"Tôi thấy nhiều khoản thu bất hợp lý và cao nên năm 2013 đến nay gia đình tôi chưa đóng khoản tiền nào. Cũng bởi cơ quan chức năng chưa giải quyết chuyện của gia đình tôi nữa nên tôi không đóng.
Mỗi năm gia đình tôi phải đóng hơn 2 triệu đồng, năm nay không nộp thì ghi nợ vào năm sau. Đến nay trong tờ phương án đã ghi gia đình tôi nợ gần 10 triệu đồng rồi", ông Sửu nói.
Ông Sửu buồn khi sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Được biết, gia đình ông Sửu có 5 nhân khẩu. Gia đình ông là gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng.
Hiện tại, các con của ông đều đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ còn ông Sửu và vợ sống nhờ vào nông nghiệp. Tuổi cao sức yếu nên vợ chồng ông cũng đau ốm thường xuyên khiến cuộc sống vất vả.
Khi PV hỏi về chuyện đóng góp, ông Sửu trả lời chưa biết khi nào sẽ trả được số tiền trên.
Vợ chồng ông Sửu sống dựa vào nông nghiệp và chưa biết bao giờ mới trả được số "nợ" trên.
(Còn tiếp...)