Một người phụ nữ bình thường trong thị trấn nhỏ đến cửa hàng McDonald’s và gọi cà phê.
Phần còn lại đã đi vào lịch sử. Trong nhiều tuần và tháng tiếp sau khoảnh khắc này, những cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra xoay quanh người phụ nữ và cốc cà phê của bà ấy.
Các chương trình truyền hình, chuyên gia và chính trị gia trên khắp nước Mỹ đã tranh luận về vấn đề này một cách mạnh mẽ. Thậm chí, người ta còn sản xuất bộ phim tài liệu mang tên Hot Coffee để mô tả lại sự việc.
Vậy điều gì đã xảy ra với vụ kiện bị hiểu lầm bậc nhất này?
Tai nạn bất ngờ từ cốc cà phê nóng
Ngày 27/2/1992, bà Stella Liebeck (79 tuổi) ngồi trên ô tô do cháu trai Chris lái đến một nhà hàng phục vụ cho khách lái xe (drive-through) của McDonald’s ở Albuquerque, New Mexico và gọi một cốc cà phê.
Người phụ nữ chỉ tốn 49 xu cho cốc đồ uống của mình nhưng nó lại khiến McDonald’s phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ.
Sau khi bà Stella nhận đồ uống, Chris cẩn thận đánh xe vào một chỗ đậu xe để bà có thể thêm đường và kem và cà phê.
Bà đặt cốc cà phê giữa hai đầu gối và tìm cách mở nắp nhựa. Không may trong quá trình đó, cà phê nóng đã đổ ra ngoài khiến bà bị bỏng vùng mông và đùi.
Chiếc quần bằng cotton không thể bảo vệ bà Stella khỏi nhiệt độ cao của cà phê (được cho là khoảng 82 độ C).
Cốc cà phê quá nóng đã khiến bà Stella bị bỏng độ ba.
Ngay sau đó, bà được đưa đến bệnh viện và bác sỹ xác định bà bị bỏng đến 16%, trong đó 6% bị bỏng độ ba, gồm vùng đùi trong, đáy chậu, mông và khu vực sinh dục.
Bà nằm viện hơn 1 tuần và phải tiến hành cấy ghép da. Vụ việc khiến bà giảm cân đáng kể, biến dạng vĩnh viễn và tàn tật.
Vì tai nạn đó, bà Stella bị mất việc và phải chi trả hóa đơn y tế với tổng thiệt hại khoảng 20.000 USD. Bà đã đề nghị McDonald’s bồi thường số tiền trên nhưng họ từ chối và đưa ra con số bèo bọt chưa đến 1.000 USD.
Điều đó thôi thúc bà tìm luật sư và người này đã tìm cách thỏa hiệp với gã khổng lồ đồ ăn nhanh với mức bồi thường 300.000 USD.
Tuy nhiên, do McDonald’s liên tục trì hoãn nên họ quyết định đưa nhau ra tòa.
Mục đích kiện của bà Liebeck không phải vì tiền mà muốn McDonald’s phải hạ nhiệt độ cà phê để những khách hàng khác không rơi vào tình trạng như mình.
"Con kiến đòi kiện củ khoai"
Ngay khi bà Stella tỏ mong muốn can thiệp bằng pháp lý, Reed Morgan, luật sư của bà đã chỉ ra điểm mấu chốt là sự thiếu trách nhiệm của McDonald’s.
Reed lập luận họ đã sơ suất trong việc phục vụ cà phê nguy hiểm một cách vô lý và điều này đã gây thiệt hại lớn cho nguyên đơn là bà Stella. Vậy McDonald’s có sai khi phục vụ cà phê trên 80 độ C hay không?
Trong giai đoạn từ năm 1982 đến 1992 đã có hơn 700 trường hợp khiếu nại McDonald’s vì bị bỏng cà phê.
Tại phiên tòa, McDonald’s từng thừa nhận thêm một cảnh báo trên nhãn của tất cả các cốc cà phê họ đang phục vụ là "nguy hiểm".
Thế nhưng, dòng chữ trên cốc dường như chỉ mang tính chất "ghi cho có" bởi cỡ chữ không đủ to và nằm ở vị trí không mấy ai để ý.
Người quản lý đảm bảo chất lượng của công ty cũng nhận thức rằng bất cứ thứ gì trên 60 độ C đều nguy hiểm. Ngoài ra, họ còn thừa nhận biết rõ sự thật là nhiều khách hàng uống cà phê ngay khi vừa nhận được.
Cảnh báo cà phê nóng nằm khiêm tốn ở một góc của chiếc cốc.
Reed cho biết các bằng chứng thu thập được cho thấy cà phê của McDonald’s nóng hơn so với nhiều nhà hàng khác.
Một nhà khoa học đã kết luận cà phê ở 54 độ C đã có thể gây bỏng độ ba. Dù vậy, chỉ cần hạ nhiệt độ xuống khỏi 70 độ C là mọi việc đã giảm bớt phần nghiêm trọng.
Ở mức trên 82 độ C, cà phê có thể gây bỏng độ ba chỉ trong vòng dưới 3 giây còn với mức 70 độ C, phải mất từ 12 giây đến 15 giây và ở 54 độ C thì mất đến 20 giây.
Khi đó, những khách hàng như bà Stella sẽ có thêm thời gian để xử lý vết thương.
Về phần mình, McDonald’s phản biện rằng nhiều khách hàng biết rõ cà phê rất nóng và thích điều đó.
Nhưng hãng cũng thừa nhận họ không hề biết mình có nguy cơ bị bỏng đến độ ba nếu bị cà phê đổ vào người.
McDonald's biết rõ rằng nhiều người thường uống cà phê ngay sau khi nhận được.
Kết quả
Tòa quyết định ra lệnh cho McDonald’s trả cho bà Stella 160.000 USD viện phí và 2,7 triệu USD (tương đương 2 ngày doanh thu của McDonald’s) tiền bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên sau đó, thẩm phán đã hạ mức đền bù xuống còn tổng cộng 640.000. Dù vậy, nó vẫn nhiều hơn gấp 30 lần số tiền ban đầu mà bà Stella đòi bồi thường.
Trường hợp của bà Stella đã gây ra một cuộc tranh cãi về những vụ kiện quá mức.
Thế nhưng, bà Stella đã không nhận cả triệu USD mà thay vào đó dàn xếp ở bên ngoài tòa án với mức bồi thường khoảng nửa triệu USD và sống 12 năm cuối đời trong tình trạng sức khỏe yếu và số tiền đó chỉ đủ để bà trang trải chi phí y tế.
Ban đầu, một số người cho rằng bà kiện tụng vì tham tiền và muốn kiếm tiền dễ dàng nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.