Vụ chôn trộm chất thải ở Sóc Sơn: Dân trình báo nhiều tháng nhưng chính quyền vào cuộc quá muộn

Hoàng An |

Chuyên gia môi trường nhận xét các chất thải như axit hữu cơ, kim loại nặng là cực độc, chi phí xử lý rất tốn kém.

Ngày 12/12, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, bước đầu đã xác định số hóa chất chôn trộm trong các hố đất tại Sóc Sơn là chất thải nguy hại.

Vị đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường đánh giá khối lượng chất thải nguy hại chôn trộm dưới lòng đất ở thôn Lai Sơn là rất lớn, không chỉ là loại mủ pin điện thoại mà còn tương đối nhiều chất khác cả về a xít hữu cơ, kim loại nặng.

"Chúng tôi đang đề nghị cho kiểm tra lại thật kỹ lưỡng về số chất thải nguy hại chôn dưới lòng đất gần núi Sú, suối Sú ở thôn Lai Sơn", ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội nói.

Ông cho biết thêm, Chi cục Bảo vệ môi trường đang làm việc với cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn để làm rõ đây là chất thải nguy hại gì, thành phần thế nào, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm xử lý chất thải nguy hại để xử lý.

Vụ chôn trộm chất thải ở Sóc Sơn: Dân trình báo nhiều tháng nhưng chính quyền vào cuộc quá muộn - Ảnh 2.

Khu vực chôn trộm mới được cắm biển cảnh báo.

Liên quan đến vụ việc, TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho biết, ông chưa nắm được số liệu cụ thể về số lượng chất thải được chôn lấp trộm ở Sóc Sơn.

Theo ông Tùng, trong vụ việc này các chuyên gia phải lấy mẫu đi phân tích mất thời gian khá lâu mới có được kết quả. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng, nếu đúng là Axit hữu cơ và kim loại nặng thì đều những chất thải nguy hại, cực độc.

Loại chất thải này chỉ các công ty có công nghệ tốt, được Bộ TN&MT cấp phép mới được đi thu gom để xử lý. Qúa trình vận chuyển chất thải, các phương tiện phải có hệ thống định vị (GPS) theo dõi hành trình xem đi tới những đâu.

Còn các đơn vị có chất thải phải trả chi phí cho việc xử lý đó, nếu không làm đúng quy trình có thể gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường khu vực và sức khỏe người dân.

"Việc xử lý những chất thải dạng này chắc chắn sẽ rất tốn kém, tùy từng loại", TS Tùng nói. Ông cũng không loại trừ nghi vấn rằng, thay vì để đưa đi xử lý theo quy định thì cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào đó đem đi chôn lấp, việc làm này đem lại lợi nhuận nhưng là trái pháp luật, cần phải trị nghiêm khắc.

TS Tùng nhận xét thêm, vụ việc xảy ra tại Sóc Sơn người dân đã trình báo nhiều tháng, đến thời điểm này cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới vào cuộc là quá muộn.

Vị TS cho rằng, bình thường nếu phát hiện ra vụ việc này lãnh đạo các cấp phải có biện pháp cảnh báo ngay lập tức, xử lý ngay bằng cách quây rào cách ly ngay, không cho người khu vực, động vật tiếp xúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại