Vụ bé gái 6 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu: Không có chuyện lây bệnh vì đi dự đám tang

Xứ Thanh |

Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk khẳng định, không có chuyện 11 người nhập viện theo dõi, điều trị bệnh bạch hầu do dự đám tang cháu bé 6 tuổi.

Liên quan đến vụ bé gái 6 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, những ngày qua trên mạng xã hội facebook liên tục lan truyền thông tin "11 người phải nhập viện theo dõi, điều trị bệnh bạch hầu do cùng dự đám tang của cháu bé đã tử vong (cháu H’Si Yan)". 

Trước thông tin này, nhiều người dân trên địa bàn xã Ea H’ding (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung và một số địa phương không khỏi hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này vào sáng 1/9, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, thông tin 11 người nhập viện theo dõi, điều trị bạch hầu do dự đám tang cháu H’Si Yan là không đúng sự thật. 

Bác sĩ Huyên lý giải: "Ngay từ đầu, cháu H’Si Yan nhập viện vào 10 giờ sáng 29/8 tại Bệnh viện Đa khoa Cư M’gar, thì ngành Y tế đã nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh bạch hầu. Do đó, ngay sau khi bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu thì các bác sĩ tiếp tục nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. 

Tuy nhiên, do tình trạng diễn biến của bệnh nhân quá nặng nên không thể cứu được. Mặt khác, vào khoảng 2 giờ chiều 29/8, ngành Y tế đã xuống vùng dịch cách ly toàn bộ buôn H’ring. Đồng thời, cấp phát thuốc miễn phí cho toàn bộ người dân trong buôn H’ring uống thuốc phòng dịch. 

Tiếp tục theo dõi, phát hiện 11 trường hợp có dấu hiệu sốt và được chuyển vào bệnh viện theo dõi. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 3 trường hợp tiếp xúc với cháu H’Si Yan dương tính với bệnh bạch hầu. 

Hơn nữa, trước khi đưa cháu H’Si Yan về tổ chức đám tang, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức xét nghiệm cho những người tiếp xúc với bệnh nhân thì cho kết quả 3 người dương tính với bạch hầu. Đối với những người đến dự đám tang cháu H’Si Yan đầu phải uống thuốc phòng bệnh".

Vụ bé gái 6 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu: Không có chuyện lây bệnh vì đi dự đám tang - Ảnh 1.

Nơi xuất hiện ổ dịch.

Cũng theo bác sĩ Huyên, tại tỉnh Đắk Lắk, 25 năm nay mới có ca bệnh bạch hầu đầu tiên. Do đó, ngoài việc cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, phòng chống dịch như nói trên, các cơ quan y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun hóa chất toàn bộ vùng dịch. 

Đồng thời, thông tin, truyền thông đến toàn bộ xã Ea H’ding và toàn bộ huyện Cư M’gar, khuyến cáo người dân đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, công tác vệ sinh thân thể. Trong trường hợp phải uống thuốc thì người dân cần đến cơ quan y tế để được tư vấn, khám bệnh, uống thuốc.

Như đã đưa tin trước đó, trưa 29/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (SN 2013, ngụ buôn H’ring) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến 14h30’ cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. 

Khoảng 23h30’ cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4 và tử vong vào rạng sáng 30/8.  

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xuống thực hiện việc cách ly, sát trùng khu vực xung quanh, cấp phát thuốc miễn phí cho toàn bộ người dân trong buôn H'ring và khoanh vùng ổ dịch. Đồng thời, đưa tổng cộng 11 người tiếp xúc với bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để kiểm tra thì phát hiện 3 người gồm bố mẹ của cháu H’Si Yan và một cháu bé hàng xóm dương tính với bệnh bạch hầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại