Cựu Đại tá Phùng Anh Lê. Ảnh: A H.
Tội về "xâm phạm tư pháp" là những hành vi phạm tội "ẩn", rất khó chứng minh
Ngày 23/9, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với cựu Đại tá Phùng Anh Lê (54 tuổi, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội) về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù", theo Điều 378 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ông Lê, VKS còn khởi tố cựu trung tá Nguyễn Đức Châu (nguyên đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự); trung tá Vũ Công Ngọc (nguyên phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và trung tá Lê Đình Trung (nguyên phó Đội trưởng đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ).
Đến nay, Bộ Công an đã tước quân tịch đối với ông Phùng Anh Lê. Quyết định này thực hiện trước thời điểm ông Lê bị khởi tố, bắt giam.
Cơ quan chức năng có mặt tại nhà riêng ông Lê để thực hiện các biện pháp tố tụng phục vụ việc điều tra. Ảnh: H H.
Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức hôm 21/6/2021, một lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, những vi phạm của Đại tá Phùng Anh Lê xảy ra vào năm 2016. Thời điểm đó, ông Lê là Trưởng Công an quận Tây Hồ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận.
Theo vị cán bộ, ông Lê có dấu hiệu ban đầu phạm tội không khởi tố người có tội. Tuy nhiên, tội danh điều tra với ông Lê thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Động cơ, mục đích thế nào, có phải "chạy án" hay không thì phụ thuộc vào kết luận điều tra của Viện.
Luật sư Trưởng Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, thông thường những tội danh liên quan đến hoạt động "xâm phạm tư pháp" là những hành vi phạm tội "ẩn", rất khó chứng minh.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao sẽ xác minh, lấy lời khai các bên để làm rõ là đối tượng đã phạm những tội gì.
"Theo quan sát của tôi, bước đầu có căn cứ vững chắc về tội 'Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù' thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố tội danh đó", luật sư Trương Anh Tú nói, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện tình tiết mới đơn vị điều tra sẽ chuyển tội danh cũng chưa muộn.
Luật sư Tú phân tích, nếu chứng minh được ông Phùng Anh Lê cùng nhóm cán bộ liên quan đã cầm tiền để bẻ cong luật pháp thì Cơ quan điều tra có thể chuyển sang tội "Nhận hối lộ".
Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh: A T.
VKSND Tối cao đang làm đúng pháp luật và đi đúng hướng
Ông Tú cho rằng, tất cả những người hoạt động tư pháp nếu quan tâm đến vụ án này đều hiểu và có niềm tin nội tâm, hành vi sai trái của người vi phạm có liên quan đến việc tiếp nhận tiền bạc, vật chất. "Nhưng có điều như tôi đã phân tích, tội phạm về 'xâm phạm tư pháp' tuyệt đối là 'ẩn', và hành vi phạm tội rất khó chứng minh. Cho nên bước đầu phát hiện thấy có căn cứ để khởi tố với tội danh nào thì người ta cứ khởi tố", luật sư nói.
Từ những diễn biến đầu tiên của vụ án, luật sư Trương Anh Tú đánh giá, VKSND Tối cao đang làm đúng pháp luật và đi đúng hướng. Khi họ làm đến bước này, mọi việc sẽ rất minh bạch, khách quan toàn diện.
Về hành vi vi phạm của cựu đại tá Phùng Anh Lê, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, dư luận xã hội và nhân dân đều biết, chúng ta không thể chấp nhận vi phạm như vậy với một cán bộ.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho hay, tội danh cựu đại tá Phùng Anh Lê và nhóm cán bộ thuộc Công an quận Tây Hồ bị khởi tố rất phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, với những tài liệu báo chí nêu.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp. Ảnh: H G.
"Đây là tội được quy định trong Chương về 'xâm phạm hoạt động tư pháp' Bộ luật tố tụng hình sự 2015.....về thẩm quyền xử lý những tội này chỉ có Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao thụ lý. Trong vụ việc rõ ràng ông Lê và nhóm cán bộ công an đã có những khuất tất mới bị khởi tố theo tội danh như trên, tội rất hiếm khi xảy ra", luật sư Giáp nói.
Theo ông, quá trình điều tra về sau nếu phát hiện những tài liệu chứng cứ khác, phù hợp với tội danh khác thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể thay đổi tội và thay đổi quyết định khởi tố bị can đúng theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, Công an quận Tây Hồ vướng vào một số bê bối trong các vụ án mà công an quận này từng thụ lý điều tra.
Theo đó, một vụ án xảy ra năm 2016 tại quận Tây Hồ nhưng công an quận này không xử lý hình sự. Từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2021, các bị cáo trên lần lượt đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đầu thú nên vụ án mới được khởi tố rồi xét xử.
Tại tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài, được triệu tập với tư cách người liên quan, khai trong quá trình Công an quận Tây Hồ thụ lý vụ án, người phụ nữ này đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ công an quận nhờ "chạy án" cho chồng.
Các cơ quan tố tụng xác định vụ việc trên có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp nên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã thụ lý, giải quyết bằng vụ án khác.
Ngoài ra, hồi tháng 1/2021, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tử hình đối với bị cáo Lê Thanh Hưng (30 tuổi, ở huyện Thuận Thành) về hai tội giết người và cướp tài sản.
Trong vụ án, Hưng là cháu ruột bà N.T.N. (56 tuổi, trú tại thành phố Bắc Ninh). Tháng 2/2021 lợi dụng lúc bà N. ở nhà một mình, Hưng lẻ vào trong nhà rồi ra tay sát hại bà N., cướp nhiều tài sản trị giá hơn 35 triệu đồng.
Theo cáo trạng truy tố, Hưng khai tháng 11/2019 bị TAND quận Tây Hồ xử phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Để được mức án như trên, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ Công an quận Tây Hồ và thẩm phán thụ lý, giải quyết.
Tiếp đó, Hưng lại muốn được chấp hành án tại Công an quận Tây Hồ nhưng không có tiền nên Hưng lên kế hoạch thực hiện hành vi giết bác ruột để cướp tài sản.