Vụ bán rẻ 5.000m2 “đất vàng”: 4 doanh nghiệp Bộ Công thương đã bị “hất cẳng” như thế nào?

Vạn Xuân |

Bằng việc đồng ý nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty cổ Phần Đầu tư Lavenue, Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) đã “hất cẳng” 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương ra khỏi khu “đất vàng” gần 5.000m2 trên đường Lê Duẩn, TP.HCM. Chia sẻ Tweet

Những ngày qua, đề nghị thu hồi gần 5.000m2 “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn ( TP.HCM ) của Thanh tra Chính phủ đã làm xôn xao dư luận.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích 4.896m2, gồm 2 phần: Khu đất tại số 8 có diện tích 3.433m2 và khu nhà, đất tại số 12 có diện tích 1.463 m2. Cả hai khu đất này được Bộ Vật tư (nay là Bộ Công thương) tiếp quản sau năm 1975.

Sau khi 2 khu đất trên được xác lập quyền sở hữu nhà nước, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố được giao quản lý khu đất này. Sau đó, đơn vị này đã ký hợp đồng cho thuê nhà, đất với 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương là Công ty cổ phẩn Hoá chất Vật liệu điện thành phố, Công ty cổ phần Kim khí thành phố, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VITACO.

Năm 2007, thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM có chủ trương sử dụng khu đất trên để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và có một phần trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Để thực hiện dự án này, TP.HCM giao Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các bước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư (xây dựng tiêu chí xét thầu, mời thầu, đánh giá các hồ sơ mời thầu.,.), tham mưu cho UBND Thành phố quyết định lựa chọn chủ đầu tư có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn để đầu tư vào khu đất số 8-12, không áp dụng hình thức liên doanh.

Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư; tháng 10/2010, UBND TP.HCM đã đồng ý về phương án thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án trên với các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp như sau: Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố giữ tỷ lệ vốn góp là 50% và 50% còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công thương, mỗi công ty góp 12,5%.

Đáng chú ý, trước đó ngày 21/12/2009, UBND Thành phố chủ trì cuộc họp về dự án số 8-12 Lê Duẩn, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài đã có ý kiến kết luận về chủ trương thực hiện dự án này tại Thông báo số 933/TB-VP ngày 30/12/2009 của Văn phòng UBND Thành phố. Trong đó, có nội đung: “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các cơ quan có liên quan thẩm định dự án đầu tư tại số 8-12 Lê Duẩn, thẩm định năng lực tài chính các đơn vị tham gia góp vốn để thực hiện dự án, tỷ lệ góp vốn của các đơn vị, quy định lộ trình triển khai thực hiện dự án, biện pháp chế tài về tài chính và miễn quyền tham gia dự án đối với các đơn vị bán pháp nhân tham gia dự án cho đơn vị khác... trình UBND Thành phố”.

Tuy nhiên, ngày 6/8/2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố đề nghị được hợp tác đầu tư thực hiện dự án. Trên cơ sở của đề nghị của Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm, ngày 11/8/2010 Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố có Công văn 5270/QLKDN-KHĐT đề nghị UBND TP cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50% của Công ty TNHH MTV trong dự án. Ngày 17/8/2010, UBND Thành phố có Thông báo số 6025/VP-ĐTMT chấp thuận đề xuất trên.

Trong khi đó, theo biên bản làm việc với Thanh tra TP.HCM ngày 8/4/2013, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm xác nhận từ ngày thành lập đến nay (thành lập ngày 6/4/2010) chưa tham gia thực hiện bất cứ một dự án nào, về năng lực tài chính cũng không có cơ quan nào thẩm định và kết luận công ty này có năng lực về tài chính.

Cùng thời điểm trên, ngày 20/8/2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương (sau này là cổ đông sáng lập Công tỵ cổ phần Đầu tư Lavenue) đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty trách nhiệm hữu TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).

Theo đó, 4 công ty thuộc Bộ Công thương (Bên A) đồng ý chuyển nhượng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kinh Đô (Bên B) đồng ý nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng.

Nội dung mỗi công ty thuộc Bên A cam kết thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu toàn bộ phần vốn góp của mình trong Công ty cổ phần cho Bên B theo giá trị chuyển nhượng tự thoả thuận, thời gian hoàn tất được quy định là mỗi công ty thuộc Bên A thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng ngay khi Bên A chính thức trở thành cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần và hoàn tất nghĩa vụ góp vốn của mình trong Công ty cổ phần (là Công ty Lavenue sau này);

Bên A không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào khác liên quan đến quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất, thông qua việc chuyển nhượng cổ phần ngay khi Bên B hoàn tất giá trị chuyển nhượng;

Bên B được quyền tham gia góp vốn theo tỷ lệ 50% vốn điều lệ của Công ty cổ phần, được chứng nhận quyền sở hữu vốn góp của cổ đông, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và được hưởng tất cả các quyền lợi có liên quan như các cổ đông khác của Công ty cổ phần, sau khi các bên hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng.

Tiếp đó, nhằm thực hiện thoả thuận nguyên tẳc trên, ngày 15/9/2010, 4 công ty Bộ Công thương đã ký hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có trị giá 12.500.000.000 đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty cổ Phần Đầu tư Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ/mỗi công ty.

Sau khi Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue được thành lập ngày 10/9/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp so 0310306044 với pháp nhân mới là Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue.

Đến ngày 29/10/2010, cả 4 công ty nêu trên đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty cổ Phần Đầu tư Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, số lượng cổ phần chuyển nhượng là 1.250.000 cổ phần/ mỗi đơn vị, giá chuyển nhượng là 50.000 đồng/cổ phần X 1.250.000 cổ phần = 62.500.000.000 đồng/ mỗi đơn vị.

Như vậy, với việc nhận chuyển nhượng trên, Kido đã nhanh chóng “hất cẳng” 4 công ty của Bộ Công thương ra khỏi khu đất vàng gần 5.000m2 trên và nắm quyền điều hành khi có trong tay 50% vốn góp.

Theo tìm hiểu, hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue đã đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần thứ 6 với các cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần và số tiền thực tế đã góp vốn còn lại các đơn vị, gồm: TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM với tỷ lệ góp vốn 20%, Công ty TNHH Đầu tư Kido với tỷ lệ góp vốn là 50% và một đối tác khác là Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm với tỷ lệ vốn góp 30%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại