Vụ bãi Tư Chính nhìn từ ‘chiến lược vùng xám’ của Trung Quốc

Nguyễn Thế Phương |

Chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát trên thực tế khu vực Biển Đông đã thể hiện một cách rõ ràng qua sự kiện Tư Chính.

Liên quan đến sự kiện bãi Tư Chính, trong thông cáo phát đi hôm 20-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington rất lo ngại về các báo cáo Trung Quốc (TQ) gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là của Việt Nam.

"Các hoạt động khiêu khích nhiều lần của TQ nhắm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

TQ và mục tiêu thâu tóm Biển Đông

Những ai theo dõi kỹ sự kiện Tư Chính có thể nhận ra chiến thuật quen thuộc: TQ cố tình ngăn chặn tất cả các hành động khai thác tài nguyên ở bên trong đường 9 đoạn. Đây là hành động đã có tiền lệ, điển hình là trước đó TQ quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở khu vực ngoài khơi bang Sarawak vào tháng 5.

Vụ bãi Tư Chính nhìn từ ‘chiến lược vùng xám’ của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu Trung Quốc từng quấy rối hoạt động kinh tế của Malaysia và sau đó là Việt Nam. Ảnh: SOCIAL MEDIA

Biển Đông, nói rộng ra là các vùng biển gần, luôn được Bắc Kinh xem là một phần trong không gian sinh tồn mà nước này muốn giữ vững, dù yêu sách của nước này tại đây rõ ràng là phi lý. Lợi ích của Biển Đông đối với TQ đã được nhắc đến rất nhiều: từ tài nguyên cho tới kinh tế lẫn chiến lược. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh cảm thấy khó chịu khi Mỹ vẫn thường xuyên hiện diện xung quanh những vùng biển này.

Sự trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự khiến TQ cảm thấy bản thân cần phải ở vị thế cao hơn, cần phải được tôn trọng. Chưa kể, nước này còn có tâm lý nước lớn cố hữu suốt hàng ngàn năm. Do đó, kiểm soát Biển Đông chính là một phần quan trọng trong “giấc mơ Trung Hoa”.

Chiến lược tổng thể

Từ năm 2009 cho tới nay, TQ đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông. Giới phân tích gọi đó là “chiến lược vùng xám”, một chiến lược được sử dụng chủ yếu bởi các quốc gia xét lại như TQ. Quốc gia xét lại hiểu nôm na là TQ mong muốn lập lại trật tự thế giới mới vốn đang do Mỹ lãnh đạo bằng những luật chơi do Washington chủ trương.

Nói một cách đơn giản về “chiến lược vùng xám” của TQ chính là: Bắc Kinh có thể thực hiện những động thái o ép, ức hiếp các quốc gia khác, khiến căng thẳng có thể được đẩy lên cao, nhưng không bao giờ Bắc Kinh để căng thẳng vượt quá lằn ranh đỏ, vốn có thể khơi mào một cuộc xung đột vũ trang lớn.

Những yếu tố sau của chiến lược vùng xám thể hiện rõ ràng qua sự kiện Tư Chính.

Thứ nhất, sự hiện diện mạnh mẽ của các tàu cảnh sát biển TQ , bên cạnh đó còn có các tàu dân quân biển. Đây là hiện tượng không mới. Cảnh sát biển TQ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ “chiến lược vùng xám” của TQ. Đây được xem là lực lượng chấp pháp biển “bán quân sự”, có thể can thiệp vào bất cứ một va chạm nào ở Biển Đông. Đặc trưng cốt lõi trong việc sử dụng lực lượng này chính là việc căng thẳng có thể kiểm soát ở mức độ chấp nhận được, bởi vì chiến thuật chủ yếu của cảnh sát biển chỉ là đâm va.

Hai tàu cảnh sát biển nổi bật nhất của TQ trong vụ Tư Chính là tàu Hải cảnh 35111, con tàu vốn đã tham gia tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia , ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Con tàu thứ hai là tàu Hải cảnh 3901, tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới của TQ với giãn nước 12.000 tấn. Lớn hơn cả một số lớp tàu chiến hiện đại của Mỹ.

Có thể thấy thông qua sự kiện này, TQ đã phô trương khả năng mới được tăng cường kể từ năm 2014 với nhiều loại tàu mới và hùng hậu hơn.

Thứ hai, các căn cứ quân sự mới phi pháp do TQ lập ra ở Biển Đông (ví dụ ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa) có thể là nơi tiếp sức cho tàu hải cảnh TQ (ví dụ như căn cứ tiếp nhiên liệu). Điều này cho thấy giá trị mới của các đảo nhân tạo mà TQ đã xây dựng trên Biển Đông. Những cơ sở hậu cần quân sự này giúp các lực lượng TQ có thể triển khai nhanh chóng tại những điểm nóng. Qua đó tăng cường năng lực kiểm soát thực tế của Bắc Kinh ở các khu vực tranh chấp.

Thứ ba, về mặt dư luận và pháp lý, hiện nay, mặc dù truyền thông chính thống TQ không đề cập gì nhiều tới sự kiện bãi Tư Chính, nhưng một số nhóm nghiên cứu và học giả TQ đã tiến hành các hành động tuyên truyền bất lợi cho Việt Nam. Họ cố tình rêu rao rằng Việt Nam là bên gây hấn trước, hay đưa ra những lập luận ủng hộ chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Tiêu biểu là lập luận về quy chế pháp lý của bãi Tư Chính (Việt Nam cho rằng Tư Chính nằm trong thềm lục địa, không liên quan tới quần đảo Trường Sa; TQ cho rằng Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa).

Cuối cùng, mặt trận thông tin đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là một phần của chiến lược vùng xám khi TQ cố gắng tung ra những bằng chứng lịch sự có lợi cho họ; cử học giả ra nước ngoài để bảo vệ quan điểm chủ quyền hay tăng cường xuất bản các bài báo học thuật quốc tế ủng hộ quan điểm của TQ.

Không chủ trương dùng quân đội đơn thuần hay sức mạnh cơ bắp để gây chiến tranh ở Biển Đông, TQ đang từng bước kết hợp nhiều lực lượng quân sự, bán quân sự trên các mặt trận thực địa, thông tin, pháp lý lẫn tâm lý để tìm kiếm lợi ích tại vùng biển được đánh giá là nhộn nhịp và quan trọng vào hàng bậc nhất thế giới.

Đi tìm giải pháp ứng phó

Chia sẻ với tờ Asia Times, chuyên gia châu Á Jonathan Manthorpe nhận định TQ đã có những bước tiến đáng kể trong kế hoạch biến biển Đông thành "sân nhà" của mình. Trong vụ phóng thử trái phép hồi đầu tháng 7 ở Biển Đông, TQ được cho là đã triển khai tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21D lần đầu tiên. Với tầm bắn hơn 1.500 km, DF-21D được thiết kế để tấn công mục tiêu chính là tàu sân bay.

Một số tên lửa khác cũng có mặt như tên lửa đạn đạo đối hạm DF-26 với tầm bắn 5.000 km có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn vượt trội cho phép DF-26 vươn tới cả đảo Guam nơi đặt căn cứ Hải quân tối quan trọng của Mỹ.

Đối với Mỹ, vụ thử tên lửa gửi đến Washington thông điệp rằng tàu chiến và các nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này sẽ không bao giờ an toàn khi hoạt động ở biển Đông.

Đối với các quốc gia trong khu vực, vụ thử tên lửa là một lời đe dọa nhằm vào những nước có ý định nương nhờ sức mạnh quân sự của Mỹ để đối đầu với TQ.

Đầu tháng 6-2019, Mỹ tung ra báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương trong đó chỉ đích danh TQ là một quốc gia xét lại, và cho rằng hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ là một yếu tố quan trọng để ngăn cản sự hung hăng của TQ.

"Washington chắc chắn sẽ muốn trấn an các đồng minh về cam kết của họ về ổn định khu vực và kiềm chế sức ảnh hưởng của TQ. Nhưng những lời trấn an như thế sẽ không có nhiều ý nghĩa dưới thời Tổng thống Donald Trump", ông Jonathan Manthorpe cho biết.

Do vậy, nhiều nước châu Á, nhất là các quốc gia có tranh chấp về chủ quyền với TQ ở biển Đông đều nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế. Bên cạnh các động thái hiện đại hoá lực lượng quân sự, phần đông nước này còn tìm đến các trung cường khác như Nhật Bản, Ấn Độ hay Úc như một đối sách thay thế cho giải pháp trông chờ vào Mỹ.

VĨ CƯỜNG

* ThS. Nguyễn Thế Phương hiện là nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại