Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tách hồ sơ hai bị can quốc tịch nước ngoài gây thiệt hại hơn 480 tỷ đồng

Hoàng Thuận - Duy Quang |

Theo cáo trạng, Lee George Lam, Henry Sun Ka Ziang gây thiệt hại cho SCB hơn 481.822 tỷ đồng nhưng cả 2 đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên cơ quan điều tra tách riêng vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với 2 người này.

Ngày 9/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tạm nghỉ.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tách hồ sơ hai bị can quốc tịch nước ngoài gây thiệt hại hơn 480 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 5/3, sau hơn 1 năm bị bắt tạm giam. Ảnh: Duy Anh.

Sau 4 ngày làm việc, HĐXX đã xét hỏi, công bố hành vi, lời khai của 84/86 bị cáo. Phiên tòa tiếp tục vào thứ Hai (11/3) với phần xét hỏi 2 bị cáo còn lại là bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, quê Lâm Đồng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella).

Trong vụ án, có 2 bị can gồm là Lee George Lam , Henry Sun Ka Ziang có quốc tịch nước ngoài đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và không rõ đang ở đâu. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can trên.

Theo cáo trạng, Lee George Lam làm việc tại SCB từ tháng 6/2012 đến ngày 19/01/2015, với các chức vụ thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB.

Tài liệu điều tra thể hiện, từ ngày 11/12/2012 đến ngày 28/11/2014, Lee George Lam với vai trò là Phó Chủ tịch thứ nhất, thành viên HĐQT SCB đã ký 8 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý hợp thức cho 68 khoản vay của Trương Mỹ Lan, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 53.815 tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay là hơn 34.083 tỷ đồng. Hành vi của Lee George Lam gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 19.733 tỷ đồng.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tách hồ sơ hai bị can quốc tịch nước ngoài gây thiệt hại hơn 480 tỷ đồng- Ảnh 2.

Sau 4 ngày làm việc, HĐXX đã xét hỏi, công bố lời khai, hành vi của 84/86 bị cáo. Ảnh: Duy Anh.

Henry Sun Ka Ziang làm việc tại SCB từ tháng 4/2015 đến trước ngày khởi tố vụ án, với chức vụ thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB.

Từ ngày 1/7/2015 đến ngày 31/8/2022, Henry Sun Ka Ziang với vai trò là thành viên HĐQT SCB đã ký 487 Biên bản họp/Phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 356 khách hàng nhóm Trương Mỹ Lan vay 602 khoản vay tại SCB, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 577.629 tỷ đồng.

Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay là hơn 115.539 tỷ đồng. Hành vi của Henry Sun Ka Ziang gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 462.089 tỷ đồng.

Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định chữ ký của một số bị can, trong đó có Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam.

Ngày 24/10/2023 và ngày 16/10/2023, Phân viện Khoa học Hình sự tại TPHCM có các kết luận giám định, kết luận chữ ký tên Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký ra.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tách hồ sơ hai bị can quốc tịch nước ngoài gây thiệt hại hơn 480 tỷ đồng- Ảnh 3.

An ninh luôn được thắt chặt trong những ngày diễn ra phiên tòa. Ảnh: Duy Anh.

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có yêu cầu Tương trợ tư pháp về hình sự số 374 đề nghị Cục Tư pháp Khu Hành chính đặc biệt Hồng Kông, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa phối hợp xác minh đối với Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang.

Mặc dù đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp nhưng quá trình điều tra vụ án đã thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ, làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của 2 bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại khoản 4, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại