Ngày 11-3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại tập đoàn này và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bước vào ngày làm việc thứ 5.
Không thừa nhận chi phối SCB
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 64.621 tỉ đồng (hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng"). Từ ngày 9-2-2018 đến 7-10-2022, bị cáo chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của SCB, gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng (hành vi "Tham ô tài sản")...
Đứng ở bục xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận nội dung cáo trạng, không thừa nhận 9 thủ đoạn, phương thức phạm tội mà VKSND Tối cao liệt kê.
Điển hình như phủ nhận chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma", câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của nhiều công ty để tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền từ SCB; thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý…
Riêng về "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát, kết luận của VKSND Tối cao thể hiện có tới hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước thuộc hệ sinh thái này nằm dưới quyền kiểm soát của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Lan nói Vạn Thịnh Phát chỉ có 4 - 5 công ty con. Bị cáo cũng phủ nhận việc nắm giữ đến 91,5% cổ phần SCB, đồng thời quả quyết bản thân không điều hành, chi phối mà chỉ quản lý tài sản tại SCB.
HĐXX dẫn chứng các nội dung lời khai tại cơ quan điều tra thể hiện bị cáo nắm đến 91,5% cổ phần của SCB…
Cựu lãnh đạo SCB thừa nhận "mù quáng"
Trái với lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, lời khai của các cựu lãnh đạo SCB gồm Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB, lại thể hiện rõ quyền lực thao túng của bị cáo Lan đối với ngân hàng này.
Trong đó, bị cáo Bùi Anh Dũng khai quá trình làm việc tại SCB, bị cáo biết rõ khoản vay nào là khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay này bị cáo Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ theo chỉ đạo của bị cáo Lan.
HĐXX khẳng định bị cáo Lan và luật sư của mình rất kỹ với từng câu, từng chữ trong lời khai. Ở từng bản cung, bị cáo thấy lời khai không đúng ý là đề nghị viết lại.
Đại diện VKSND TP HCM hỏi bị cáo Dũng cách thức phân biệt các khoản vay bình thường với khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Dũng trả lời hồ sơ vay vốn của bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát khác với hồ sơ vay vốn thông thường. Việc phân biệt dựa vào ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị) được ghi trên các hồ sơ.
"Bây giờ bị cáo đứng đây mới thấy một phần lỗi của mình vì tin tưởng chị Lan một cách mù quáng, cứ nghĩ chị Lan là người kinh doanh rất giỏi" - bị cáo Dũng nói.
Đại diện VKSND TP HCM tiếp tục xét hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để làm rõ về quyền chi phối của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB.
Bị cáo Văn kể vào tháng 7-2013, được bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, tuyển dụng vào làm việc với chức vụ Phó Tổng Giám đốc SCB. Sau đó, bị cáo được sắp xếp gặp bị cáo Lan, được bị cáo Lan thuyết phục giữ chức tổng giám đốc bằng lời lẽ như: "Không chịu làm, để người khác ngồi lên đầu lên cổ à". Bị cáo Văn cho rằng có ý kiến của bị cáo Lan, bản thân mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SCB.
"Sau đó, mỗi tháng bà Lan gọi cho bị cáo 1 - 2 lần nói bâng quơ về việc cần một khoản tiền" - bị cáo Văn kể. Bị cáo Văn thừa nhận sau những cuộc gọi đó, bị cáo hiểu là phải thực hiện ký khống hồ sơ cho vay tiền.
Cũng đứng trước tòa, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói ban đầu rất thần tượng bị cáo Trương Mỹ Lan về tài kinh doanh nên hứa trung thành tuyệt đối. Nhưng sau khi nghe lời khai của bị cáo Lan tại tòa, bị cáo thấy mình đặt niềm tin sai chỗ.
"Bị cáo và nhiều anh em ở SCB từng động viên nhau cố gắng giúp chị Lan vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng sau phần khai của chị Lan sáng nay bị cáo thấy thất vọng" - bị cáo Dung bày tỏ.
Tại phiên tòa, chủ tọa cho biết HĐXX chỉ nhận yêu cầu tham gia thẩm vấn đến chiều cùng ngày, các luật sư chưa đăng ký xem như từ bỏ yêu cầu này. Chiều cùng ngày, HĐXX nhận được 170 yêu cầu trong tổng số 240 luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị cáo… Sáng nay (12-3), phiên xử tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa đối với các bị cáo.
Nhận 5,2 triệu USD là "thụ động"(?!)
Liên quan đến hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan để làm sai lệch kết quả thanh tra SCB, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) khai nhận tiền thụ động, không bàn bạc với SCB để thay đổi kết luận thanh tra.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng không phải bị cáo thích khai gì thì khai. Bị cáo nói nhận tiền thụ động nhưng kết quả điều tra thể hiện bị cáo nhận tiền của SCB đến 4 lần.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí muốn khắc phục bằng tiền mặt
Khi biết cựu Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát bị khởi tố thì bị cáo Nguyễn Cao Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản nhằm xóa bỏ nghĩa vụ nợ hơn 1.000 tỉ đồng thông qua ký kết các hợp đồng hợp tác trước đó. Bị cáo Trí nói rằng thời điểm này, bị cáo rất bối rối vì muốn tách bạch hệ thống của mình khỏi hệ thống của bà Lan.
"Bị cáo cho rằng việc thanh lý hợp đồng trên không làm thay đổi bản chất việc bị cáo đã nhận tiền của bà Lan. Sau này suy nghĩ lại là tất cả việc làm đó không đúng nên bị cáo mong muốn khắc phục hậu quả vụ án" - bị cáo Trí nói.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí và gia đình đã nộp hơn 700 tỉ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo mong muốn tiếp tục khắc phục hậu quả bằng việc nộp tiền mặt và nhờ HĐXX hỗ trợ thu hồi 1.500 tỉ đồng mà một số cá nhân, doanh nghiệp đang chiếm dụng của bị cáo.