Nhắc đến những vụ án giết người khét tiếng nhất Malaysia, người ta nghĩ ngay đến cái tên Mona Fandey. Năm 1993, ả đàn bà độc ác này đã cùng chồng tàn sát dã man chính trị gia Mazlan Idris, băm thi thể thành 18 mảnh.
Tuy nhiên, trong số rất nhiều vụ giết người chấn động xảy ra ở Malaysia, có một vụ án đầy bí ẩn mà đến nay, hơn 40 năm trôi qua, cảnh sát vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Đêm 6 tháng 4 năm 1979, hai kỹ sư của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) tình cờ phát hiện một người phụ nữ chết trong chiếc ô tô tại một đường hầm ở xa lộ Liên bang cách sân bay Sultan Abdul Aziz Shah (giờ là nhà ga Skypark) khoảng 5 km.
Jean Sinnappa (thứ 5 từ phải sang) trong một cuộc thi sắc đẹp.
Một giờ sau, cảnh sát có mặt tại hiện trường và thấy nạn nhân chính là cựu nữ hoàng sắc đẹp Jean Perera Sinnappa.
Cô vẫn thắt dây an toàn trong chiếc Fiat 125 màu trắng nhưng đã chết. Jean bị đâm tới 10 nhát dao vào người. Họ cũng thấy người đàn ông tên Karthigesu Sivapakiam nằm bất tỉnh trên mặt đất.
Cựu nhân viên điều tra cấp cao, Datuk Ramli Yusuff, người phụ trách vụ án hồi đó kể lại: "Khi tôi đến hiện trường, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông nằm úp mặt xuống đất nhưng vẫn còn hơi thở.
Anh ta cứ lẩm bẩm điều gì đó mà tôi không thể hiểu nổi. Tôi quyết định đưa anh ta đến Bệnh viện Đại học Malaya (nay là Trung tâm Y tế Đại học Malaya) để điều trị".
Chân dung cựu nữ hoàng sắc đẹp Malaysia Jean Perera Sinnappa.
Karthigesu bị đánh bất tỉnh từ phía sau khi vừa bước ra khỏi xe để chạy trốn. Karthigesu được đưa đến bệnh viện còn thi thể của cựu nữ hoàng sắc đẹp được đưa đi khám nghiệm tử thi.
Kết quả cho thấy Jean bị hai vết thương ở ngực, bụng và 4 vết thương trên tay.
Do đó, cảnh sát coi vụ án là giết người và bắt đầu tiến hành điều tra truy tìm hung thủ. Vụ án phức tạp đến mức họ phải mất tới 4 tháng để thu thập chứng cứ.
Là anh rể rồi lại là bạn trai
Karthigesu vừa là anh rể của Jean lại vừa là người yêu của cô bởi lẽ Jean từng kết hôn với em trai của Karthigesu, tên Sinnappa Sivapakiam.
Tuy nhiên, người đàn ông này đã qua đời trong một tai nạn thảm khốc gần Jalan 222, Petaling Jaya vào đêm giao thừa năm 1978, vài tháng trước khi Jean qua đời.
Jean có 3 đứa con cùng với Sinnappa. Vào thời điểm xảy ra vụ án, Jean đang làm giáo viên ở một trường học sau khi tham gia cuộc thi sắc đẹp. Những người quen biết Jean đều nói rằng cô là một giáo viên rất tận tâm.
Sau khi Sinnappa qua đời, Jean sống cùng mẹ chồng và Karthigesu, cùng với ba đứa con của cô - Damendra, Rohini và Malini. Cả hai người (Jean và Karthigesu) được cho là đã yêu nhau sau khi chồng Jean mất và họ còn dự định sẽ kết hôn.
Karthigesu trở thành nghi phạm hàng đầu
Cảnh sát Ramli, người đứng đầu phụ trách điều tra vụ án, cho biết Karthigesu bị nghi ngờ vì không có vết thương rõ ràng nào trên cơ thể anh ta mặc dù anh ta nói rằng mình bị đánh từ phía sau.
Hơn nữa, Karthigesu nói với cảnh sát rằng anh ta đã xuống xe để chạy trốn khỏi hung thủ nhưng cảnh sát cũng không tìm thấy dấu vết nào chứng minh điều đó.
Karthigesu bị bắt.
Không chỉ vậy, khi Karthigesu dẫn cảnh sát đến nhà riêng của anh ta ở Klang, họ tìm thấy một loạt các bức thư tình.
Một số bức thư được gửi từ người yêu bí mật của Jean, Tiến sĩ Narada Warnasurya từ Sri Lanka và những bức thư khác do Jean viết cho Tiến sĩ Narada. Trong 1 bức thư, Narada thậm chí còn đề cập đến việc kết hôn với Jean.
Thực tế, Jean gặp Tiến sĩ Narada tại một sự kiện ở YMCA, Brickfields vào năm 1978, trong một chuyến thăm của ông tới Malaysia. Những lá thư cho thấy Jean đã lừa dối chồng, Sinnappa, từ khi anh còn sống.
Vụ án từng gây rúng động dư luận Malaysia và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Cảnh sát Malaysia phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ và cảnh sát Sri Lanka để gọi tiến sĩ Narada ra làm chứng trước tòa nhưng anh ta từ chối.
Cảnh sát cho rằng Karthigesu có thể đã nổi máu ghen về mối quan hệ của Narada và Jean sau khi tìm thấy những lá thư tình mùi mẫn.
Cáo buộc này thậm chí còn có cơ sở hơn sau khi một người bạn của anh ta tên Bandhulanda Jayathilake khai rằng Karthigesu từng nói Jean không đáng sống.
Vậy là dựa vào bằng chứng về vết máu trên áo của Jean cùng lời khai của Jayathilake, Karthigesu trở thành nghi phạm chính trong vụ án giết người này.
Ngày 9 tháng 5 năm 1979, Karthigesu bị buộc tội giết chết Jean.
Đang chờ chết lại được tuyên trắng án
Sau 2 năm ngồi tù và chờ đợi án tử, Kartigesu đột nhiên có tia hy vọng khi Jayathilake tuyên bố rút lại lời khai ban đầu. Anh ta nói với thẩm phán rằng anh ta bị một kẻ giấu mặt buộc phải nói dối để đổ tội cho Kartigesu.
Thẩm phán xem xét lời thú nhận gây sốc của Jayathilake và cuối cùng đã trả tự do cho Kartigesu.
Ngày 20 tháng 5 năm 1981, Kartigesu thành người tự do sau 2 năm, 1 tháng và 4 ngày ăn cơm tù. Sau đó, Karthigesu kết hôn với một người phụ nữ và sống hạnh phúc ở Klang, bang Selangor.
Kartigesu được thả tự do sau 2 năm ngồi tù.
Về phần Jayathilake, anh ta bị kết án 10 năm tù vì tội khai man nhưng người đàn ông này đã chết trong tù 2 năm sau đó.
Sau 40 năm, vụ án vẫn chưa được giải quyết do thiếu bằng chứng cụ thể và được coi là một trong những vụ án giết người giật gân nhất từng xảy ra ở Malaysia.
Thậm chí còn có hẳn một bộ phim tài liệu về vụ án này.