Phiên tòa phúc thẩm xét xử Võ Văn Minh diễn ra vào 8/9/2016. Có nhiều tranh luận xung quanh vụ án này.
Các luật sư bào chữa cho Võ Văn Minh khẳng định Minh vô tội, việc Tân Hiệp Phát đưa tiền cho Minh là thỏa thuận dân sự giữa 2 bên, do đó, Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, có nhiều nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Nhìn sâu xa, đây là một vụ án điển hình, tạo thành khuôn mẫu ứng xử của các bên, tạo nên cách nhìn khách quan của xã hội với các mối quan hệ cung ứng hàng hóa thường ngày.
Để nhìn nhận về vụ án, cần đánh giá từng vấn đề, với từng bên có liên quan.
Về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát
Trong Bản thông tin mới đây của Tân Hiệp Phát gửi đi, Tân Hiệp Phát nhấn mạnh theo kết quả giám định trong quá trình điều tra thì chai nước được cho là “có ruồi” đã bị mở ra sau khi xuất xưởng, không còn là sản phẩm nguyên vẹn của Tân Hiệp Phát.
Đồng thời, Tân Hiệp Phát nêu với dây chuyền công nghệ, quy trình kiểm soát của Tân Hiệp Phát thì không thể có bất cứ vật nào trong chai nước.
Ruồi là con vật luôn làm cho mọi người e sợ, liên tưởng đến sự mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, chưa cần biết chai nước “có ruồi” thật hay giả, thương hiệu của Tân Hiệp Phát đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Luật sư của Võ Văn Minh đặt vấn đề liệu chai nước này có phải của Tân Hiệp Phát? Tuy nhiên, vấn đề pháp lý của vụ án này không liên quan đến “con ruồi”, cho dù có “con ruồi” có thật hay không cũng không liên quan đến việc xác định tội danh của Võ Văn Minh, đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Người tiêu dùng, dư luận, các cơ quan chức năng có quyền đặt vấn đề về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, nhưng đó không phải là vấn đề của vụ án này.
Gài bẫy hay không gài bẫy
Trước sự đe dọa của Võ Văn Minh sẽ in 5000 tờ rơi, sẽ đưa hình ảnh chai nước lên mạng xã hội ... để làm mất uy tín, Tân Hiệp Phát buộc phải đưa tiền cho Minh. Sau khi nhận tiền, Minh bị Cơ quan điều tra bắt giữ.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Võ Văn Minh nêu Tân Hiệp Phát đồng ý trả tiền cho anh Minh thì đây là một giao dịch dân sự. Tân Hiệp Phát đã đưa tiền, rồi báo công an, là gài bẫy anh Võ Văn Minh.
Tân Hiệp Phát chứng minh đã bị anh Minh đe dọa phát tờ rơi, tung tin lên mạng xã hội làm mất uy tín ... để uy hiếp và buộc Tân Hiệp Phát đưa tiền. Đã bị ép buộc thì không thể gọi là giao dịch dân sự. Tân Hiệp Phát không chủ động đưa tiền để gài bẫy anh Minh.
Tương tự như về chất lượng sản phẩm, chuyện Tân Hiệp Phát có gài bẫy anh Minh hay không không liên quan đến tội danh cưỡng đoạt tài sản của anh Minh. Anh Minh có cưỡng đoạt hay không phụ thuộc vào việc anh Minh có đe dọa, uy hiếp Tân Hiệp Phát để đòi tiền hay không?
Có nên khuyến khích hành vi của Võ Văn Minh?
Tất cả các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa đều có mục tiêu đưa ra thị trường các sản phẩm tốt nhất. Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, các sản phẩm được đưa ra thị trường có chất lượng không tốt, không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Không ít các trường hợp sản phẩm bị lỗi không phải do nhà sản xuất mà bị lỗi sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Các vấn đề giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm được giải quyết bằng pháp luật.
Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu đưa ra thị trường các sản phẩm lỗi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đạo lý, pháp lý không cho phép bất cứ ai dùng sản phẩm có lỗi (thật hay giả) để đe dọa làm mất uy tín nhà sản xuất, buộc nhà sản xuất phải trả tiền.
Nếu hành vi của Võ Văn Minh không bị xử lý, Tân Hiệp Phát sẽ phải giải quyết, trả tiền cho bao nhiêu chai nước “có ruồi” khác.
Không chỉ chai nước của Tân Hiệp Phát, có thể sẽ có thêm ruồi, thêm gián, thêm thằn lằn... trong hộp sữa, trong chai bia... của những nhà sản xuất khác. Khi đó, các nhà sản xuất khác sẽ cư xử ra sao.
Võ Văn Minh thừa nhận không có thiệt hại, biết Tân Hiệp Phát là thương hiệu lớn, Minh dùng chai nước đe dọa Tân Hiệp Phát đòi tiền để mua đất.
Dù hoàn cảnh của Minh khó khăn, dù mong muốn Minh sớm trở về với gia đình, dù thương Minh cũng không nên cổ vũ cho hành vi của Minh.
Có thể Minh không biết việc làm của mình là sai, thương cho hoàn cảnh của Minh thì cần làm cho Minh hiểu và nhận thức được hành vi phạm tội của mình, điều đó có ích cho Minh trong quá trình cải tạo, không lặp lại các hành vi này khi trở về.
Sau phiên tòa sơ thẩm bị kết án 7 năm tù, Minh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tân Hiệp Phát cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Minh.
Trước phiên tòa, các luật sư của Võ Văn Minh đều cho là Minh vô tội, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cổ vũ, ủng hộ hành vi của Minh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Võ Văn Minh đã thay đổi kháng cáo. Minh kêu oan, không nhận tội thay vì nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt.
Vì tình tiết này, đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đã đề nghị và Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên mức án 7 năm tù đã tuyên tại tòa sơ thẩm với Võ Văn Minh, dù Tân Hiệp Phát đã xin giảm nhẹ hình phạt cho Minh.
Vị đại diện Viện kiểm sát nêu, nếu Minh thành khẩn, nhận tội thì có thể giảm 3 năm tù, tức mức án của Minh chỉ còn 4 năm.