Ngày 1-2, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long tiếp tục diễn ra phần tranh tụng.
Sau nhiều ngày diễn ra phiên tòa, đến sáng 1-2, đại diện VKSND tỉnh Trà Vinh đã phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với tám bị cáo trong vụ án.
Trong đó, nhóm ba bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng Agribank Trà Vinh gồm: Nguyễn Văn Trực (nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh ), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng phòng Tín dụng) và Cao Văn Phong (nguyên phó phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh ) bị VKS đề nghị cùng mức án 5-6 năm tù đối với mỗi bị cáo cùng về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nhóm năm bị cáo nguyên là lãnh đạo công ty bị đưa ra xét xử cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Hữu Lộc (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Aquafeed Cửu Long) bị đề nghị 14-15 năm tù, Trần Vũ Dũng (thành viên HĐQT Công ty Aquafeed Cửu Long) bị đề nghị 7-8 năm tù, Đỗ Thái Hòa (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Aquafeed Cửu Long) bị đề nghị 14-15 năm tù, Nguyễn Hồng Nam (nguyên tổng giám đốc Công ty Aquafeed Cửu Long) 12-13 năm tù, Bùi Tuyết Mai (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp thủy sản) bị đề nghị 12-13 năm tù.
Trước đó trong phần xét hỏi và tranh tụng tất cả bị cáo đều không đồng ý với bản cáo trạng và luận tội của VKSND tỉnh Trà Vinh. Các bị cáo đều kêu oan trước tòa việc bị quy kết với các tội danh trên.
Nhóm các bị cáo Công ty Aquafeed Cửu Long cho rằng các thành viên Công ty Aquafeed không lừa đảo để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Bởi lẽ theo các bị cáo thực tế tiền vay từ ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là nhà máy của công ty và số dư nợ trong dân là 100 tỉ đồng cho ngân hàng. Đồng thời, công ty sử dụng tiền vay vào mục đích kinh doanh nên không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Riêng nhóm các cán bộ của Agribank Trà Vinh cho rằng các hợp đồng vay vốn của Công ty Aquafeed Cửu Long tại ngân hàng đều có tài sản đảm bảo cho vốn vay, đồng thời có hồ sơ thẩm định đều đúng quy trình và đã trình lên hội sở Agribank thẩm định lại và có sự chấp thuận của hội sở nên đã không vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như cáo trạng và bản luận tội của VKSND tỉnh Trà Vinh cáo buộc.
Đáng chú ý tại phiên tòa, vấn đề bán đấu giá tài sản của Công ty Aquafeed Cửu Long lộ ra những điểm bất thường.
Cụ thể, sau khi VKSND tỉnh Trà Vinh hoàn tất cáo trạng truy tố, Agribank Trà Vinh đã cho bán đấu giá bất động sản và động sản (gồm công trình xây dựng và dây chuyền máy móc, thiết bị) của Aquafeed Cửu Long để xử lý nợ.
Theo kết quả định giá tài sản thế chấp vào ngày 4-4-2014 của Hội đồng định giá tài sản thuộc Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh (các tài sản thế chấp gồm máy móc, thiết bị và nhà xưởng) trị giá 31,679 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tháng 12-2016, phía ngân hàng đồng ý cho Công ty Cổ phần Thẩm định giá EXIMA thực hiện định giá tài sản còn lại chỉ 14,532 tỉ đồng.
Sau đó, Argibank Trà Vinh đã giao cho Công ty TNHH Bán đấu giá tài sản Vạn Phát Hưng tổ chức bán đấu giá số tài sản trên, trong đó, ông Lâm Khắc Sinh (đấu giá viên công ty) là người điều hành cuộc bán đấu giá.
Kết quả, một công ty đã trúng đấu giá, mua khối tài sản này với giá 14,677 tỉ đồng.
Tại phiên tòa lần này, ông Sinh bất ngờ xuất hiện trong vai trò luật sư được cơ quan tố tụng chỉ định bào chữa cho bị cáo Trần Vũ Dũng. Trong khi đó, lời khai của bị cáo Dũng trong những ngày qua đã gây bất lợi cho bị cáo Nguyễn Hữu Lộc.
Bất thường hơn, việc Argibank Trà Vinh cho bán số tài sản nói trên là có sự thống nhất và đồng ý của các cơ quan tố tụng Trà Vinh.
Cụ thể, ngày 20-1-2017, một cuộc họp liên ngành giữa VKSND, TAND và cơ quan điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã đi đến thống nhất về việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Trà Vinh cho giải tỏa toàn bộ lệnh kê biên tài sản của Công ty Aquafeed Cửu Long đã thế chấp cho Argibank Trà Vinh; để công ty giao lại tài sản cho ngân hàng xử lý nợ theo quy định.
Trước đó, TAND tỉnh Trà Vinh đã ba lần đưa ra xét xử nhưng phải nhiều lần trả hồ sơ để bổ sung làm rõ nhiều vấn đề quan trọng và hoãn vì vắng mặt nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra đến ngày 5-2-2018.