Vụ 24 người nghi phơi nhiễm HIV khi cấp cứu nạn nhân TNGT: "Tất cả đều âm tính"

Hoàng Đan |

Kết quả sàng lọc ban đầu cho thấy, 17 nhân viên y tế và 7 người dân tại Kon Tum tham gia cứu hộ nạn nhân nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông đều âm tính với HIV.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum xác nhận, kết quả sàng lọc ban đầu cho thấy, tất cả 24 người nghi bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho một nạn nhân tai nạn giao thông bị HIV đều có kết quả âm tính với HIV.

Tuy nhiên, để đảm bảo, những người này vẫn đang được tiếp tục điều trị dự phòng phơi nhiễm.

Theo bà Thúy, vào khoảng 16h chiều 30/6, Trung tâm có nhận được thông tin có một bệnh nhân tử vong trong vụ tai nạn giữa hai xe khách tại địa bàn xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà bị nhiễm HIV.

Qua xác minh, danh tính của nạn nhân này là Trần Thị Mơ (51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Bà Mơ đang được điều trị ARV ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, vào thời điểm xảy ra vu tai nạn, một số người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu cũng như đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp cấp cứu cho các nạn nhân đã tiếp xúc với máu của nạn nhân này mà không hề hay biết nên đã nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin và tiến hành xác minh, Trung tâm đã hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà xử lý nạn nhân tử vong nhiễm HIV và hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi hướng dẫn gia đình người nhiễm HIV tử vong thực hiện mai táng theo đúng quy định.

Đồng thời, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã tiến hành lấy máu xét nghiệm cho 17 cán bộ nhân viên y tế và 7 người dân tham gia hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Hiện Trung tâm tiến hành lưu tất cả các mẫu máu để gửi xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật Elysa theo quy định.

Đồng thời, cấp phát thuốc miễn phí và bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc dự phòng trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV cho các trường hợp trên.

Trung tâm sẽ tiến hành thực hiện tư vấn cho 24 trường hợp được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau 3 tháng, 6 tháng.

Trước đó, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, 17 nhân viên y tế trong vụ việc cấp cứu bệnh nhân HIV đã sử dụng thuốc ARV dự phòng phơi nhiễm ngay sau khi phát hiện sự việc.

Sau thông báo của công an tỉnh Kon Tum, ngày 1/7, 6 hành khách tham gia cấp cứu bệnh nhân này cũng đã khai báo và điều trị. Đến sáng 1/7, trường hợp cuối cùng cũng được uống thuốc ARV.

"Như vậy, tổng cộng 24 trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm HIV đều đã được cấp thuốc phơi nhiễm sớm, trước 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế", ông Khánh khẳng định.

Theo ông Khánh, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV có tác dụng tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm không bị lây nhiễm HIV.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại