Vụ 1.300 xác thai nhi trong tủ lạnh: Người đi gom làm gì tránh rủi ro pháp lý?

Song Yên |

Để tránh trường hợp có thể gặp rủi ro pháp lý, các nhóm tổ chức thiện nguyện thu gom xác thai nhi cần đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền.

Những thiện nguyện viên đi gom xác thai nhi để bảo quản rồi chôn cất

Những thiện nguyện viên đi gom xác thai nhi để bảo quản rồi chôn cất

Trao đổi với PV Infonet về việc nhóm thiện nguyện đi thu gom xác thai nhi bảo quản 1300 xác trong tủ lạnh chờ đưa đi chôn cất, luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Hải Anh và Cộng sự) cho biết: “Căn cứ vào Thông tư liên tịch số: 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế có quy định về phân loại chất thải y tế trong đó có mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ.

Căn cứ vào quy định trên thì thai nhi vẫn được coi là chất thải y tế đặc biệt do vậy cần phải xử lý chất thải đó theo đúng quy định.

Vụ 1.300 xác thai nhi trong tủ lạnh: Người đi gom làm gì tránh rủi ro pháp lý? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải trao đổi với PV về vụ việc.

Cụ thể trong Điều 7 có quy định về thu gom chất thải y tế đó là thu gom chất thải lây nhiễm: Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.

Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom;

Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 01 (một) lần/ngày.

Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.

Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.

Về việc nhóm thiện nguyên thu gom xác thai nhi có cần lưu ý quy định gì, nữ luật sư cho biết: “Cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng về việc cấp phép hoặc cho phép các tổ chức thực hiện thu gom thai nhi từ cơ sở y tế để xử lý theo đúng quy định, không làm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, có thể bổ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng hoặc phân bổ các quỹ đất để từ đó có nơi để tập kết, chôn cất các thai nhi đảm bảo quy định về phòng chống ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm của các cơ quan như Ủy ban nhân dân các cấp; Sở y tế; Sở tài nguyên; các cơ sở y tế cùng phối hợp và thực hiện”.

Ngoài ra, vị Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Hải Anh và Cộng sự cũng khuyến cáo: “Để tránh rủi ro, thì các nhóm tổ chức thiện nguyện thu gom xác thai nhi cần đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền như: Sở y tế để được phép xử lý, thực hiện công việc thiện nguyện liên quan đến xác thai nhi”.

Với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về “Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” như sau: Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại